người ta vẫn thấy Tám Thạnh đẩy thuyền ra khơi. Những ngày như thế, cá
mực mới dễ vào lưới làm sao! Nhưng ở chợ lại hiếm, bà Ba cứ đưa dao vào
cổ người mua mà cứa. Bà giầu nhanh vì vậy. Tám Thạnh bằng lòng với
cuộc sống mới của mình. Ông có nhà để ở, và có người đàn bà để kêu là vợ.
Ân ái cũng nồng nàn. Ông có việc, công việc ông yêu thích... Cuộc sống
tạm ổn thoả trong sự bằng lòng đơn giản và qua loa của ông, cứ thế trôi...
Nửa năm sau, một hôm, xuống tới mép nước, Tám Thạnh sực nhớ chưa
mang theo chai mắm, liền lộn về lấy. Đáy biển lạnh, người thợ lặn chẳng
thể thiếu mắm. Cửa vừa mở, Tám Thạnh không tin vào mắt mình nữa. Trên
giường, cô Hai, người gọi ông là chồng, và đêm nào cũng lay ông dậy vài
ba bận, đang quắp chặt một gã đàn ông, cả hai không mảnh vải che thân. Họ
xoắn vào nhau như một cặp rắn. Tám Thạnh không rõ, không hiểu gì cả.
Hoàn toàn bản năng, ông lao mạnh cái bơi chèo đang cầm trên tay về phía
"cặp rắn", đạp cửa, nhào đi... Ông vào rừng.
Những năm cuối của cuộc chiến tranh chống Pháp, Tám Thạnh ở trong đội
thuyền làm nhiệm vụ chở vũ khí từ khu 5 vào khu 6. Sau hiệp định Giơ- ne-
vơ, ông không đi tập kết mà được phân công ở lại. Năm năm sau, nhận lệnh
Khu uỷ vượt tuyến ra Bắc. Ở đây ông được sung vào đội ngũ những người
chở vũ khí cho chiến trường, bằng đường biển. Ông đã cùng đồng đội đi
nhiều chuyến, bí mật đưa vũ khí vào Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh... Rồi một
lần, ông được đi trên con tầu chở súng đạn về quê. Ông mừng quá! Từ ngày
ném cái bơi chèo vào sự không chung tình của người đàn bà mà ông kêu là
vợ, tuông đi, dễ chừng hơn hai mươi năm. Hai mươi năm, ông chưa một lần
trở lại vùng biển đó. Nhớ lắm! Thương lắm! Nơi ấy, dẫu nhiều tủi hờn chua
chát, vẫn là quê hương. Nơi đó có những cây dừa già, rễ sần sùi cắm sâu
xuống cát; nơi đó có mùi tanh của cá, và nơi ấy nước biển mặn chát, chiều
chiều thuyền dềnh lên, ghếch vào bãi, ăn muối... Mấy đêm liền đi trên biển,
Tám Thạnh trằn trọc không ngủ được. Nghĩ rằng chỉ ngày một, ngày hai
mình sẽ được đặt chân lên bãi cát nặc mùi cá, dẫu chỉ một lát, mà nao cả
lòng. Khi đi trai trẻ, lúc tuổi tác đã cao mới có cơ trở về thăm, và liệu còn
được thêm lần nữa không?
Nhưng Tám Thạnh đã không gặp may. Chuyến chở vũ khí ấy bị lộ. Tình thế
nguy cấp tới mức cấp trên quyết định cho phép huỷ tầu. Sau tiếng nổ lớn,
đoàn thủy thủ dìu díu nhau tấp được vào bờ, nhưng họ đã bị bao vây. Một
tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ chặn ở eo núi. Tám Thạnh là người thông