được bệ hạ hỏi kế đánh giặc, đều dốc một lòng. “Xin bệ hạ cho toàn dân
đánh giặc!”. Ngay cả người man như Hà Bổng, Nguyễn Lộc, Nguyễn Địa
Lô khi giặc vào cõi cũng tụ binh đánh vào sau lưng chúng. Cả như Trịnh
Giác Mật trước khi giặc vào còn nổi lên làm phản, sau nghe triều đình phân
giải lại chiêu binh đánh giặc thật là kiên cường. Tâu bệ hạ, một nước mà từ
vua đến dân, từ trẻ đến già, từ người Kinh đến người man thảy thảy đều
không sợ giặc, đều đồng lòng đánh giặc, giữ nước. Tâu bệ hạ, một quốc gia
như thế thì không một kẻ xâm lược nào không bị đánh bại. Và đó, chính là
cái lý đáng kể nhất để nước ta thắng được giặc dữ Mông - Nguyên.
Nói đoạn, thái sư vái nhà vua rồi lui về chỗ. Các quan ai cũng khen
cái lý mà thái sư đưa ra thực là chí lý.
Bỗng một người nhỏ thó xuất ban xin nói. Ai cũng ngửng nhìn xem
người đó là ai. Quả thật ông ta người nhỏ bé quá nên phần đông các quan
ngồi xa chỉ nghe được tiếng nói chứ không tường mặt.
Vái nhà vua xong, ông nói:
- Muôn tâu bệ hạ, vừa rồi giặc thua đau đớn, Hốt-tất-liệt chắc không
nuốt nổi mối nhục này, cho nên giặc Mông - Nguyên lại sang xâm lấn cõi
bờ ta chỉ là chuyện trong sớm tối, xin bệ hạ và Quốc công sớm trù liệu. Lần
này giặc sang ta hẳn không chỉ dăm ba chục vạn như lần trước mà phải
hàng trăm vạn, xin bệ hạ cho mộ thêm quân, huấn hỗ cho thiện xảo ngay từ
bây giờ kẻo nước đến chân khó nhảy.
Ngẫm nghĩ giây lát, ông ta lại nói thêm:
- Thần được bệ hạ sai trấn vùng ải bắc kể đã mấy chục năm, quả thực
chưa thấy một thứ quân nào lại đông như quân Nguyên, chỉ có thể ví chúng
như lũ kiến chạy lụt cứ lao đi thục mạng. Nhớ khi nó tràn vỡ ải của thần,
lập tức thần cho quân lui về hợp trấn với ải Lão Thử dưới sự thống lĩnh của
tướng quân Phạm Ngũ Lão. Giặc qua “cửa Diêm Vương” này trăm đứa hồ
dễ đã một hai đứa thoát chết. Vậy mà chúng cứ đạp lên xác nhau mà đi, vô
cảm hệt như lũ kiến vàng, kiến gió, thật khác xa đám lính Tống nhát như
cáy như thỏ, chỉ mới nghe thấy tiếng ngựa hí của quân ta chúng đã vội lủi
ngay vào rừng trốn biệt.