Tâu, thần không nói quân Nguyên là quân kiêu dũng mà thần chỉ
muốn nói chúng không còn nhân tính bởi chúng hành động như loài dã thú
thôi ạ. Bởi vậy, muốn ngăn chặn chúng, ta phải huy động một đội quân thật
đông đảo, huấn hỗ cho thiện xảo về mọi mặt thời mới có thể tiêu diệt được
lũ giặc ngạo xưng là thiên binh này.
Viên biên tướng vừa vái nhà vua lui về chỗ, vua Nhân tông liền thong
thả dụ bảo:
- Giặc vào cõi ta với đội quân đông tới gần năm chục vạn, nếu kể cả
binh phu tiếp lương của chúng nữa thì còn đông gấp mấy lần, thế mà chỉ
lách được qua mấy cửa ải, khác nào một biển nước mênh mông chỉ dồn
chảy qua vài lỗ cống hẹp, hèn gì sức công phá của nó không lớn. Thế nhưng
khi ta thả cho nó vào nước ta, lực nó tản ra thì đội quân năm chục vạn ấy có
thấm tháp gì, chúng đâu còn đủ sức mạnh muốn đánh vào đâu cũng được.
Khanh sợ quân giặc đông như kiến ư? Thì cả nước Trung Hoa mênh mông
như thế đều thuộc quyền Hốt-tất-liệt, y bắt đi phu, đi lính bao nhiêu mà
chẳng được. Cho nên giặc vào cõi ta, tám chín phần là quân người Hán, chỉ
có một, hai phần là người Mông Cổ thôi. Và xác chết nhiều nhất vẫn là xác
người Hán đấy. Khanh chớ sợ ta thiếu quân. Cuộc kháng chiến vừa qua, ta
còn dư hơn mười vạn quân chưa dùng đến.
Nhà vua vừa dứt lời, Quốc công tiết chế thống lĩnh chư quân sự Hưng
Đạo vương liền vái ngài rồi nói:
- Tâu, ý của hoàng thượng và chư liệt vị khá đầy đủ. Vả lại đây mới
chỉ là bước ta làm đại lược thôi, chưa đủ thời gian để đi sâu vào các mặt từ
việc dân, việc binh, việc lương… kể cả việc đặt ngoại gián để dò la tình
hình trên đất giặc. Hơn hết là mưu lược phá giặc của triều đình và cả sự
đồng lòng từ vương tộc đến vương triều và muôn dân. Đúng là ta có hàng
ngàn cái lý để làm nên chiến thắng trong trận chiến nghiệt ngã vừa qua,
song điều đáng nói nhất là ta đã không sợ giặc, ta dám đánh giặc vì thế ta
thắng giặc. Ấy cũng bởi cái nhẽ cả dân tộc biết tự trọng nên biết cách tự
cường để bảo vệ lấy cái phẩm giá cao quý vốn là truyền thống của giống
nòi.