bách hội của chúng, khiến từ đấy giặc không còn đủ sức ra đòn mà chỉ gồng
mình chống đỡ cho tới lúc cắm đầu tháo chạy ra khỏi cõi bờ ta.
Dứt lời, thượng tướng vái nhà vua và cúi đầu xá các đồng liệt rồi lui
về chỗ.
Các quan xì xào bàn tán:
- Đúng là sau trận Quốc công đánh bại Lưu Thế Anh ở A Lỗ thì đoàn
quân xâm lược của Thoát-hoan mất hẳn sức chiến đấu.
- Đúng là một trận Xích Bích trên ngã ba sông Cái đã khiến quân giặc
lâm vào thế bị tiêu diệt.
- Lạ thật, chỉ sau trận chiến đó, tinh thần quân giặc bị sa sút hẳn,
chúng hoảng hốt như gà gặp phải cáo vậy.
- Quân Thát-đát chỉ mạnh khi kỵ binh nó có đất tung hoành.
- Thì ta đã chẳng cho kỵ binh nó tung hoành trong sông nước, trong
những cánh đồng trũng sâu ngập cả đầu ngựa đó sao…
Các quan khẽ cười rúc rích.
Triều hội bỗng im phắc, bởi mọi người đều đổ xô nhìn về phía Chiêu
Minh vương Trần Quang Khải khi ông rời khỏi chiếc thái sư ỷ. Vương nắn
lại vành mũ, xốc đai áo, và liếc nhìn mấy dòng chữ nhỏ ghi trên chiếc hốt
ngà, đoạn vái nhà vua hai vái, thái sư nói:
- Tâu hoàng thượng, ta thắng giặc bởi nhiều nhẽ như các quan đã tâu
báo. Tuy vậy, có nói mãi cũng không hết được, chuyện này phải để khi đất
nước yên trị, chắc chắn không còn bị giặc ngoài nhòm ngó núi sông ta nữa,
khi đó mới có đủ thời gian để tom góp lại thành bài học cho đương thời và
cho cả hậu thế nữa. Thần chỉ muốn nói một điều là từ vua đến quan, từ dân
đến binh lính cả nước đều không sợ giặc, đều đem thân mình ra giữ nước.
Đại hội Bình Than, thiếu niên Trần Quốc Toản mới mười sáu tuổi đã uất ức
vì không được dự bàn việc nước, bàn kế đánh giặc. Và chỉ vài năm sau
Quốc Toản đã lập được một đội gia binh, huấn dạy thành đội cường binh và
bản thân Quốc Toản cũng trở thành một danh tướng lập công lẫy lừng, hy
sinh cả tính mệnh mình cho nước. Lại Hội nghị Diên Hồng, bô lão cả nước