lực, và mọi thứ của cải đều không hấp dẫn ta bằng đất đai. Bởi một khi ta có
quyền lực mạnh thì đất đai sẽ thuộc về ta, và có đất đai ta có tất cả. Vậy mà
cái nước Giao Chỉ cỏn con kia dám vô lễ kháng mệnh ta. Hai lần cho quân
sang trừng phạt vua tôi nó đều thoát hiểm, và đại quân của ta không gặp
may nên phải rút về. Lần này ta thề nếu còn ta, còn Hốt-tất-liệt này ắt Giao
Chỉ không tồn tại. Mà thôi ta đang nghĩ cái gì nhỉ. À, đúng là ta đang nghĩ
xem có thể cử tướng nào coi quản việc tải lương trên biển đây. Người coi
quản không chỉ tinh khôn, mưu trí, đởm lược mà còn phải thông thạo nghề
biển, phải thuộc đường đi biển, am tường thủy triều và cả mùa gió. Người
như thế hiện trong quân ta có ai? Hình ảnh hai tên cướp biển khét tiếng
Trương Hiên, Chu Thanh hiện ra. Hai tên tướng cướp này với hai đảng
cướp khiến quân ta phải đánh dẹp mãi không xong. Sau khi ta kêu gọi cởi
giáp và mở lượng khoan hồng, chúng mới chịu ra đầu hàng. Từ đó mặt bể
của ta yên ổn. Hai tên này đều được ta biệt đãi nên các lâu la khác phải tự
tan. Nay hai kẻ đều có hai đứa con là Chu Tề và Trương Văn Hổ đều được
ta trọng dụng. Chúng cũng có máu giang hồ như cha chúng và rất mẫn cán
trong công việc tiễu trừ bọn cướp biển. Hốt-tất-liệt nhắm mắt hình dung ra
hai đứa con tướng cướp xem nên chọn đứa nào.
Bỗng thiên tử ngồi nhỏm dậy ra bàn quơ lấy cây bút rồi viết luôn mấy
chữ: “Trương Văn Hổ Giao Chỉ hải thuyền vạn hộ”. Nhà vua sợ sáng ngủ
dậy lại quên hoặc không còn muốn giao việc lớn này cho Trương Văn Hổ
nữa. Không hiểu sao Hốt-tất-liệt rất tin vào những ý nghĩ xuất thần, hầu như
đều có sự mách bảo của thần linh. Và vì vậy nó dễ đưa tới thành tựu. Vậy là
nhà vua đã quyết việc chọn Trương Văn Hổ vào chức “Giao Chỉ hải thuyền
vạn hộ”.
Sớm ra, Hốt-tất-liệt sai triệu Trương Văn Hổ vào nội điện.
Trương Văn Hổ không biết thiên tử sai khiến việc gì nên trong lòng
vừa mừng vừa lo. Lo nhất là có kẻ nào đàn hặc vì một chuyện vu vơ nào đó
khiến thiên tử nổi giận, mạng sống ắt khó toàn.
Vừa bước lên bực thềm, y đã toan quỳ lạy và hô lời chúc vọng vào
trong cung để lấy lòng thiên tử, và để lấy lại sự bình tĩnh. Nhưng y chưa kịp
sụp quỳ, nội thị đã nói: