thể giặc qua cửa An Bang hoặc cửa Đại Bàng nhưng rốt cục đều vào Bạch
Đằng để tiến chiếm Vạn Kiếp hội với quân bộ của chúng để vào Thăng
Long.
Ngưng lại giây lát, Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư nói tiếp: - Vậy
tại sao ta không tập trung binh lực để chặn đánh suốt chặng đường dài hàng
nghìn dặm đó để tiêu hao sinh lực trọng yếu của giặc.
- Đó chính là trách phận của vương. - Quốc công tiết chế Hưng Đạo
vương nói xen vào. Tuy nhiên Ô-mã-nhi, Phàn Tiếp là những danh tướng
lão luyện được Hốt-tất-liệt tin cậy trao trọng trách dẫn hơn mười hai vạn
quân với bảy trăm chiến thuyền không dễ gì bọn y lơ là việc bảo vệ hơn bảy
mươi thuyền lương, là nguồn sống độc nhất của một đạo quân hơn nửa triệu
người để ta có thời cơ tiêu diệt nó. Song nếu ta biết vờn giặc, biết cách thua
như cuộc chiến năm Ất Dậu thượng tướng Chiêu Minh vương đã dụ được
Toa-đô từ Thanh Hóa ra Trường Yên, cũng tức là ta bẻ được một gọng kìm,
tới khi Thoát-hoan nhận ra mưu ta, sai Toa-đô đánh ngược lại chiếm Thanh
Hóa thì đã bị Chiêu Minh vương chẹn cứng. Giặc lúng túng đi ứng cứu cho
nhau để rồi Toa-đô mãi mãi là con ma không đầu trên đất ta, còn Ô-mã-nhi
thì trốn chạy ra biển và nay mai y sẽ dẫn đạo quân thủy hùng mạnh vào đất
ta.
- Lừa được tướng giặc đã từng xông pha trăm trận là việc cực khó. -
Chiêu Minh vương Trần Quang Khải nói. - Ngày ấy anh Quốc Tuấn giao
trọng trách phải đánh địch như thật và phải thua thật, nhưng không để thiệt
hại nhiều cho quân ta và không để cho địch biết là ta thua vờ. Toa-đô là một
tướng lão luyện, còn mình thì lần đầu tiên đánh giặc mà dụ được giặc vào
kế của mình tưởng khó như đường lên trời. May thay non sông còn vượng
khí lại được liệt tổ hộ trì mới biến cải được thế trận mau lẹ như vậy.
Mọi người tham bàn thật sôi nổi, nhưng xem ra không có một ý nào
bàn lùi như trong Đại hội Bình Than năm Nhâm Ngọ. Thượng hoàng Thánh
tông lấy làm đẹp ý, ngài liền dụ:
- Ta xem các tướng đều có mưu phá giặc cả, biết sức giặc, liệu sức ta
ấy là điều căn cốt của nghiệp làm tướng. Nhưng chớ thấy ta vừa thắng giặc