vài năm trước mà tỏ ra khinh giặc ắt sẽ bị giặc đánh bại. Bây giờ xin Quốc
công cho trẫm nghe kế phá giặc.
Cung Thánh từ vốn đã tĩnh lặng, nay lại càng thêm tĩnh lặng. Sau khi
nghe lời dụ của Thượng hoàng Thánh tông thì từ vua Nhân tông đến các
quan hết thảy đều đổ nhìn về phía vị tướng già - Quốc công tiết chế thống
lĩnh chư quân sự Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, người vừa cứng cỏi
vừa mưu lược đã đánh bại cuộc xâm lăng với quy mô rộng lớn và tàn ác
chưa từng thấy của tên cáo già Hốt-tất-liệt ngạo xưng là thiên tử nhà đại
Nguyên.
Hưng Đạo thong thả lật mở cuốn sổ đặt trên mặt tráp rồi điềm đạm
nói:
- Tâu thượng hoàng, tâu quan gia, thưa chư vị, kế sách phá giặc lớn
nhất của Đại Việt ta là toàn quân đánh giặc, toàn dân đánh giặc, cả nước
đánh giặc, núi non, sông suối rừng cây, biển đảo tất tận thảy đều đánh giặc
và trên từ nhà vua dưới đến bách tính đều muôn người như một quyết tâm
đánh giặc để giữ gìn cương thổ, bảo vệ giống nòi, thà chết chứ không chịu
khuất phục giặc. Tâu, đó là kế sách lớn nhất để giữ nước, và cuộc chống
quân xâm lược nhà đại Nguyên năm Ất Dậu, nhờ áp dụng kế sách này mà
Đại Việt ta đã đuổi được giặc, giữ yên bờ cõi.
Tới nay, xét ra không kế nào hay hơn kế đó. Còn như để đánh bại đạo
quân khổng lồ kia lại tùy thuộc vào việc nó triển khai thế trận ra sao ta mới
tùy nơi, tùy lúc, tùy thời mà ứng phó. Còn khi đánh giặc phải tỉnh táo. Phải
tránh mạnh đánh yếu. Phải tránh khi quân giặc tập trung mà đánh khi chúng
phân tán. Vì vậy phải kéo địch về mọi phía khiến quân nó phải tản ra để giữ
đất, lực nó sẽ mỏng dần. Khi giặc đã phân tán thì ta dễ đánh hơn, thậm chí
ngay cả dân binh cũng có thể đánh lại chúng. Và ta phải chủ động quấy rối
giặc sao cho đêm đêm chúng không thể ngủ yên, còn ban ngày hễ ra khỏi
nơi đóng quân là bị dân binh chặn đánh hoặc bắn tỉa khi chúng đi cắt cỏ
ngựa, chúng vào thôn ấp lùng sục thóc gạo, trâu bò, gà lợn. Tức là phải cho
giặc thấy đi về bất cứ hướng nào, đụng vào bất cứ thứ gì cũng là đụng tới
cái chết. Và như vậy thì ngoài việc chặn đánh còn phải dạy cho dân binh,