chiến này từ khi vừa đuổi được giặc ra khỏi bờ cõi. Hiện nay tinh thần quân
dân trong cả nước đều bình tĩnh đón đợi giặc vào là đánh chứ không bỡ
ngỡ, hoang mang như lúc mới bắt đầu cuộc chiến năm Ất Dậu.
Và nếu đúng như anh Quốc Tuấn phán đoán, cuối năm giặc mới vào
đến biên thùy, thì ta còn những ba tháng nữa để bổ cứu những gì ta thấy còn
khiếm khuyết. Vả lại cuối năm giặc mới vào là giặc lấy thời tiết khí hậu để
tăng sức mạnh sở trường của nó. Ta sẽ có cách chế khắc nó, năm Ất Dậu ta
đã chẳng cản được bước tiến của giặc và gây cho nó nhiều thiệt hại đến nỗi
nó không thể phát tác được sức mạnh của nó, kể cả kỵ binh. Tới đây, anh
Quốc Tuấn sẽ tâu báo kế phá giặc để thượng hoàng và quan gia xem xét.
Sau khi nghe một số điều từ bá phụ và thúc phụ nói, vua Nhân tông
bèn lên tiếng:
- Thưa phụ hoàng, thưa bá phụ và thúc phụ, như vậy là giặc tính kế ở
lâu dài với mục đích đánh bại nước ta, lập ra một nhà nước tay sai của nó.
Rồi lấy nước ta làm bàn đạp chinh phục nốt mấy nước phương nam. Do đó
ta phải tìm kế phá cho bằng được mưu giặc ngay từ khi nó mới đặt chân vào
cõi bờ ta.
Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư xin nói:
- Tâu, quan gia bảo phải phá mưu giặc từ khi nó mới đặt chân vào cõi
bờ ta, thần xin hiến kế.
Khánh Dư ngừng lại chờ xem ý bề trên, trong khi mọi người lại nóng
lòng muốn biết kế của ông.
Thượng hoàng giục:
- Nhân Huệ vương mau nói kế của đệ phá giặc như thế nào.
- Tâu, cứ xem cung cách Hốt-tất-liệt trù hoạch, quả thâm ý của y lần
này quyết dứt mệnh nước Nam ta, nên y bổ khuyết hai việc yếu nhất của
quân nó đã bộc lộ năm Ất Dậu. Tức là lương thực và quân thủy. Ta biết
chắc nó vận lương bằng đường thủy ắt quân nó và lương nó phải phát xuất
từ cảng Khâm Châu rồi qua cửa Vạn Ninh và mũi Ngọc Sơn của ta mà vào
Vân Đồn, Hạ Long để vào Bạch Đằng giang ngược lên Vạn Kiếp. Cũng có