thường giặc rất sợ rừng cây và những nơi cây cối rậm rạp, núi non khuất
lấp. Cách đây chừng năm chục dặm về phía tả ngạn có một cánh rừng, quân
kỵ của giặc buộc phải đi qua. Vì vậy giặc sẽ rất thận trọng. Ta sẽ không
phục quân ở nơi giặc có phòng bị. Song phải nghi binh để nó rối trí. Tức là
trước cửa rừng ta đốt củi lấy khói làm hiệu. Trong rừng, ta chặt cho cây đổ
ngáng đường đi, giặc tất phải dừng lại sục sạo. Ta cũng nên đào một vài hố
bẫy ngựa. Nếu ngựa nó bị sa hố thì cả người lẫn ngựa đều hoảng loạn. Ra
khỏi rừng xuôi thẳng về quãng ngang với ta đang đóng quân đây khoảng
hơn hai chục dặm đường bằng phẳng, quang đãng. Ta nên đánh nó trên
quãng đường này. Đây là đoạn giặc không thể ngờ lại có quân phục vì tầm
nhìn xa và không có rừng cây hoặc đồi núi quanh co.
- Giữa thanh thiên bạch nhật, đường bằng phẳng mà ông định phục
quân đánh vỗ mặt kỵ binh của giặc, vậy ta phục ở đâu? - Trần Nhật Duật
hỏi và ông nói thêm: - Đường tốt, kỵ binh giặc có thể lướt nhanh như gió,
và các ông nên nhớ, loài ngựa đánh hơi thính không kém gì chó săn. Nếu
quân ta mai phục ngược chiều gió, chúng đánh hơi thấy ngay. Khi có hơi lạ,
giống ngựa thường không chịu đi hoặc cảm thấy nguy hiểm chúng sẽ quay
đầu chạy và hí rầm rĩ.
Đô tướng Ngô Thùy đáp:
- Bẩm chủ tướng, đang mùa gió bắc thổi xuôi, nếu có quân phục
không lo việc ngựa đánh hơi thấy mùi lạ. Hơn nữa từ bữa vào đất ta tới nay,
kỵ binh giặc chỉ đi theo phía tả ngạn của sông chứ chưa một lần chúng sang
sông. Cách đây hơn hai chục dặm có một cánh đồng mới gặt, ruộng khô,
nông phu đã chống rạ thành từng mô to hơn cả chiếc nơm đại, và cao ngang
ngực người lại nằm bên hữu ngạn dòng sông về phía ta đang đóng quân đây,
chúng tôi đã đến tận nơi xem xét thấy ta có thể giấu được năm trăm quân
cung nỏ mà giặc không thể ngờ, cũng không thể phát giác ra được. Cạnh đó
lại có một con ngòi. Mùa này nước cạn, ngòi khô tới đáy có thể đi trên lạch
ngòi này như đi trên mặt ruộng.
- Rồi sao nữa? - Trần Nhật Duật hỏi.