mai phục, tướng giặc mới cho quân đi. Như vậy giặc vừa có đội mở đường
vừa có đội đoạn hậu.
Quân thám của ta về tâu báo cung cách tiến quân của giặc từ sau ngày
nó bị chặt đuôi, Trần Nhật Duật mỉm cười nói cùng hạ cấp:
- Do ta cắt đuôi giặc, chúng hoảng hốt nên bây giờ đuôi nó phình ra
khá lớn. Các ông tính sao, có chặt tiếp đuôi hay ta chặt đầu nó.
Đô tướng Nguyễn Khoái vội đáp:
- Bẩm chủ tướng, chặt đầu nó có nghĩa là ta đánh vỗ mặt đám du binh.
Chỗ này phải tính kỹ bởi nó có khoảng hai trăm thằng kỵ binh Mông Cổ đi
tiên phong, nếu hơi có động tĩnh gì chúng ào đến rất nhanh hoặc chúng biến
đi cũng nhanh như gió thoảng.
Đô tướng Ngô Thùy bèn lên tiếng:
- Bẩm thượng tướng, phải đánh vỗ mặt đám kỵ binh Mông Cổ để lấy
khí thế cho quân ta. Đành rằng trận mở màn vừa đây đã khiến giặc co lại và
không dám ngông nghênh như trước nữa. Nhưng như thế không có nghĩa là
ta không thể tạo ra được thế bất ngờ khác.
Nghe hai viên đô tướng hiến kế đánh vỗ mặt quân kỵ Mông Cổ,
thượng tướng Trần Nhật Duật lấy làm đẹp ý, ông hào hứng hỏi:
- Hai ông thử cho nghe dự kế đánh quân kỵ Mông Cổ, đành rằng giặc
vào nước mình dù nó là quân Mông Cổ chứ quân nhà trời ta cũng đánh.
Nhưng nên nhớ, đã đánh là phải đánh thắng mới dẹp được lòng kiêu ngạo
của chúng. Ví như trận Quốc công đánh vào trại A Lỗ năm Ất Dậu khiến
ngựa Mông Cổ như lũ chuột đồng chạy lụt, còn lính Mông Cổ phần thì chết
đuối phần phải ra hàng. Vậy là tinh thần kỵ binh Mông Cổ còn thấp hơn
ngọn cỏ.
Tướng Nguyễn Khoái nói:
- Bẩm chủ tướng, thật ra đánh bọn du binh có dăm chiến thuyền với
sáu trăm tên quân thủy cùng khoảng hai trăm quân kỵ hộ tống không phải là
chuyện khó. Nhưng sau nó là cả một đạo quân đông tới mấy vạn thì lại là
một việc không dễ. Tuy vậy theo mạt tướng vẫn có thể đánh được. Thông