II
Lại một lần nữa Hưng Đạo vương cùng một số gia tướng, gia thần đi
đến từng trang ấp bị giặc Nguyên tàn phá xem dân chúng đã hồi phục được
đến đâu.
Ngồi trên mình ngựa, Hưng Đạo chỉ về một thôn ấp mờ xa nằm sát
mép sông, nơi các mái rạ đang đùn lên những làn khói bếp trắng đục như
sương sớm. Nhìn mặt trời lên gần tới đỉnh đầu, vị tướng già thầm nghĩ:
“Thế là người dân đã có cái đổ vào nồi, đã đỏ lửa cho bữa ăn trưa. Chẳng
biết họ ăn cơm hay ăn cháo đây”.
Hưng Đạo ngoảnh mặt về phía sau hỏi viên tùy tướng Yết Kiêu:
- Có phải cái ấp ta sắp đến kia là ấp An Lạc không?
- Dạ bẩm chủ tướng, đó chính là ấp An Lạc.
Đi chừng mươi bước ngựa, Yết Kiêu rướn lên nói tiếp:
- Bẩm vương chắc ngài thấy lạ, vì lần trước ta qua đây sau khi vừa
đuổi giặc ra khỏi cõi, nó còn là vùng đất chết, thế mà nay đã có sinh khí.
- Phải! Vương đáp, giọng ngài đã có vẻ vui vui. - Bởi ta thấy sự sống
đang hồi sinh, đất và người đều đượm đầy sinh khí.
Vương cùng các bộ tướng cứ thả ngựa đi nước kiệu bên phía tả ngạn
sông Bình Than xuôi về phía hạ lưu. Dòng sông phẳng lặng, hai bên bờ,
rừng chạy miên man ra tận mép nước. Thời tiết đã vào hạ, những trận mưa
rào đầu mùa khiến rừng cây tăng độ ẩm nên các tàng cây thường có hơi
nước bốc lên bảng lảng như sương như khói. Nếu cứ nhìn dòng sông phẳng
lặng và hai bên bờ sông, rừng nối rừng xanh mướt chạy dài tới hút cả tầm
mắt kia, có ai ngờ cách đây mới hơn nửa năm trời, cả mấy chục vạn quân
giặc qua đây, tưởng như chúng có thể nuốt chửng cả cây rừng, uống cạn hết
nước sông và hủy diệt cả xứ sở này. Nhớ khi ta bỏ ải Nội Bàng lui về giữ