Trưởng ấp là một ông già quắc thước chít khăn đầu rìu để hở mái tóc
bạc như cước, chòm râu dài trước ngực trắng xóa. Ông vận chiếc áo nâu dài
tới ngang đầu gối, cánh tay áo chỉ phủ kín bờ vai nên vẫn lộ hai cánh tay
trần đen bóng, bắp thịt nổi cuộn và in hằn hai chữ “SÁT THÁT”
[7]
màu
chàm sẫm. Ngang lưng ông lão thắt chiếc dây lưng vải bạch bố múi xoay về
phía sườn trái. Ông vận chiếc quần nâu lửng phủ tới nửa ống chân để lộ rõ
bàn chân với các ngón tõe ra và hai ngón cái nằm ngang ra như châu đầu
vào nhau. Người Tàu nhìn thấy các ngón chân của người Việt như vậy, nên
họ gọi mình là “dân Giao Chỉ”. Tiếc rằng lối gọi kỳ thị ấy của lũ xâm lăng
ngạo mạn đã tồn tại khá lâu trong lịch sử.
Ông lão trưởng ấp An Lạc và dân chúng vừa quỳ xuống vừa hô:
- Kính chúc đại vương mạnh khỏe!
Hưng Đạo lập tức xuống ngựa, mọi người cùng xuống ngựa. Vương
nâng ông lão đứng dậy và ra hiệu cho cả dân ấp cùng đứng dậy. Đoạn
vương nói, giọng ấm áp thân mật:
- Chúng ta đến thăm bà con trong hương ấp. Chẳng hay mùa vụ vừa
qua có thu hoạch được gì không. Hay dân vẫn còn bị đói.
Một lão bà nhanh nhảu đáp:
- Bẩm đại vương, ngài thử nhìn dân hương ấp chúng con xem, đây có
phải là dân đói không ạ. Đúng là hồi giặc mới bỏ chạy, chúng con trở lại
hương ấp không còn một hạt gạo nào, cả ấp đói vàng mắt, may đại vương
cho quan quân đem lúa gạo về phát tại hương ấp kịp thời nên không có ai bị
chết đói.
Hưng Đạo chỉ tay về xóm giữa ấp bảo:
- Ta muốn vào hẳn trong trang ấp để được gặp bà con đông hơn.
Trưởng ấp dẫn vương tới khu vực xưa gọi là đình nay chỉ còn trơ bốn
bức tường đất. Dân làng đã đốn tre, gỗ về chất đống phía sân đình, định sau
vụ gặt thì dựng lại. Trong nền đình, trưởng ấp cho thu gom những vật mà
giặc không lấy đi được hoặc không đốt cháy được nhưng chúng đã đập phá
không còn có thể dùng vào việc gì.