- Vẫn tưởng các đại huynh muốn rong chơi trên biển cả, chứ bảo vệ
thuyền lương là việc của Hổ này rồi. Nói thật với các huynh, Hổ tha cướp
của bọn chúng là phúc cho chúng lắm rồi chứ kẻ nào còn dám cướp của Hổ
này nữa. Nói xong y vẫy tên lái thuyền của y ra hiệu:
- Vát! Vát.
Thuyền vừa vát buồm, hai mạn còn cách nhau vài bước nhảy, y nhún
chân lấy đà thoắt đã trở về thuyền của mình, miệng nhoẻn cười vẫy chào
bọn Lưu Khuê phô cả hai hàm răng cải mả.
Thấy Trương Văn Hổ tự tin, vả lại y cũng có năm ngàn quân hộ vệ,
hơn nữa mấy ngày nay các chiến thuyền đi trong không khí yên bình, chắc
quân Giao Chỉ sợ oai đại quân thiên triều đã đi trốn hết rồi. Nghĩ vậy, các
tướng bảo nhau phải mượn sức gió, mau đến hội quân kẻo Trấn Nam vương
trông đợi. Vì thế đoàn chiến thuyền lao đi vun vút suốt ngày đêm. Tuy vậy
bọn Lưu Khuê, Trương Ngọc không thể bắt kịp với các chiến thuyền của Ô-
mã-nhi đã băng lên từ trước.
Khi giặc vừa áp sát biên thùy thì tại đại bản doanh Quốc công tiết chế
Hưng Đạo vương nhận được tin ngoại gián cấp báo về: “Sau mấy trăm
chiến thuyền của Ô-mã-nhi là cả trăm thuyền lớn tải lương thực. Giặc có
thể qua Vân Đồn hoặc qua cửa An Bang mà vào Bạch Đằng”.
Một nguồn tin vô cùng quý giá, nhưng đến lúc này có nhẽ hơi muộn
vì giặc đã tới biên thùy, ông không thể điều kịp quân để phối cùng Trần
Khánh Dư. Nếu cướp được hoặc đánh chìm được đoàn thuyền tải lương
này, cầm chắc giặc sẽ thua trong sớm tối mà máu xương quân ta cũng đỡ
hao tổn khá nhiều. Hưng Đạo suy nghĩ lung lắm, điều quan yếu nhất trong
lúc này là phải thông được tin tức tới Nhân Huệ vương. Nghĩ vậy, ông bèn
thảo tờ quân lệnh sai Yết Kiêu ngày đêm ra gấp Vân Đồn.
Nhận tờ mật thư, Nhân Huệ vương mở đọc, gương mặt ông tươi hẳn
lên, mỉm cười, vương nói:
- Tướng quân về tâu với Quốc công, ta sẽ y kế của Quốc công, nhất
định không sai một li.