vùng đất vô chủ. Nếu ta tập trung một số quân đủ lớn, đánh bất ngờ có thể
diệt gọn cả quân hộ vệ lẫn thuyền lương, xin vương cân nhắc.
Tướng Nguyễn Khoái nói tiếp:
- Tôi nghĩ thuyền giặc chở nặng nên chúng đi rất thưa thoáng vì
chúng sợ va đụng vào nhau, bởi vậy nó trải dài tới cả mấy chục dặm. Nếu
chúng ta rải quân trên một thế trận kéo dài như vậy e rằng thuyền giặc sẽ
chạy tứ tán, ta không thể diệt được nhiều. Chi bằng chia cắt giặc thành từng
cụm mà diệt. Nếu diệt được nửa số lương thực của giặc thì cuộc chiến rút
ngắn được nửa thời gian, nếu diệt được hoàn toàn số lương thực này thì đại
quân của Thoát-hoan không hơn lũ bù nhìn rơm, Quốc công muốn tiêu diệt
hoặc muốn đuổi nó về đều khuôn theo ý mình cả.
Nguyễn Chế Nghĩa chăm chú theo dõi những điều Nguyễn Khoái nói.
Khoái vừa ngừng lời Chế Nghĩa xin nói:
- Bẩm chủ tướng, tiểu tướng cho rằng kế của tướng Nguyễn Khoái
nên dùng. Mạt tướng không có ý gì khả thi hơn hai bậc đàn anh.
Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư trỏ vào tấm bản đồ treo trên vách
nói:
- Thời cơ cướp lương của giặc, cũng tức là triệt lương thực của chúng
chưa bao giờ thuận lợi như lúc này. Bởi đại quân thủy bộ của chúng đã kéo
hết về Vạn Kiếp. Bây giờ chúng chỉ còn chờ lương thực tới là triển khai thế
trận. Ta chắc nó sẽ tiến đánh Thăng Long nay mai.
Bởi vậy, ta thử vạch kế đánh tiêu diệt đoàn quân lương của giặc, các
ông nghe, thấy chỗ nào sơ hở phải bổ cứu cấp kỳ.
Đây là cửa Tiên Yên, tướng Nhân Đức hầu lĩnh năm ngàn quân với
thuyền bè đầy đủ khi thấy thuyền giặc đi qua quá nửa thì xông ra đánh chia
cắt giữa đám thuyền hộ vệ và thuyền lương. Khi ấy thì toán quân đi đầu của
giặc tới ngang Cửa Vạn, giặc có thể lấy Cửa Vạn vào Vân Đồn rồi qua Bái
Tử Long, Hạ Long, Cửa Lục tiến vào Bạch Đằng. Ta sẽ phục năm ngàn
quân ở đây đánh vỗ mặt cánh quân hộ vệ này. Khi quân hộ vệ giao chiến thì
Nguyễn Chế Nghĩa đã phục sẵn năm ngàn quân cùng thuyền bè khí giới