Trong khi đó các tướng Trần Nhật Duật, Phạm Ngũ Lão sắm vai hai
vua chạy trốn khiến quân giặc lẽo đẽo theo sau cho đến khi mất hút. Hoàn
thành diệu kế, hai tướng đưa quân về ra mắt Hưng Đạo, ra mắt hai vua được
nhà vua ngợi khen và sai ghi tên vào sổ bộ để sau khi đuổi xong giặc triều
đình sẽ định công khen thưởng.
Hưng Đạo đã đưa các quân thủy, bộ về tăng cường cho vùng Tháp
Sơn, vùng Nghi Dương
[75]
và đang chuẩn bị cho cuộc phản công đuổi giặc.
Năm nay cả nước hầu như không có tết, giặc vào cõi từ cuối tháng
một, qua tháng chạp chúng đánh rộng ra các vùng, chiếm các nơi hiểm yếu,
các đường giao thông thủy bộ đi về phía nào cũng đụng phải giặc. Và gần
giáp tết thì Thoát-hoan kéo quân về chiếm cả kinh thành Thăng Long.
Cũng như cuộc kháng giặc năm Ất Dậu, theo lời hiệu triệu của triều
đình, toàn dân làm kế thanh dã. Giặc đi tới đâu cũng chỉ gặp vườn không,
nhà trống, không có gì để cướp nên chúng đốt phá nhà dân, triệt phá hoa
màu thiệt hại không biết đâu mà kể.
Qua hai tháng, chờ quân tiếp lương không thấy đến, quân tải lương từ
Quảng Tây sang bằng đường bộ đều bị quân man tập kích, mười phần mất
tới tám chín phần, số lương thực quân đem theo cũng đã cạn, Thoát-hoan
đang lo lắng. Số quân tuy nhiều nhưng phải rải mỏng ra chiếm đất, muốn
tập trung quân đi đánh chỗ nọ lại phải bỏ đất đã chiếm ở chỗ kia. Đã thế,
đêm đêm quân Việt còn quấy rối, chỗ thì hò reo, đánh trống đồng, chiêng
đồng khua náo inh ỏi, quân mất ăn mất ngủ, mỏi mệt, ốm đau ngày một
nhiều hơn. Chỗ nào sơ hở, quân Việt cậy đông xông vào, có khi diệt hết một
doanh trại tới cả ngàn quân. Lại cũng có khi quân Việt dùng tên bùi nhùi
bắn hàng loạt vào doanh trại, nhân lúc trời hanh heo gây cháy hết nơi này
đến nơi khác, khiến lòng quân sinh rối.
Từ khi Thoát-hoan sai Phàn Tiếp đem thêm quân và thuyền bè đi tăng
viện cho Ô-mã-nhi để đuổi bắt bằng được các vua nhà Trần, Trấn Nam
vương chỉ giữ bên mình một phần ba số quân thủy cùng thuyền bè để tiện
sai khiến hoặc khi cần chuyển quân qua sông sẽ bớt đi trở ngại.