thuận”. Nó nói thế ai chẳng mủi lòng. Nhưng chẳng lẽ vì lời nói ngọt ngon
đó mà ta bắt các tướng phải án binh bất động sao. Thôi được, ta vừa truy bắt
vừa chờ vua tôi nó thực lòng quy thuận.
Ô-mã-nhi sau khi bàn bạc với Phàn Tiếp suy đi xét lại quyết định
không qua Vân Đồn nữa mà về thẳng An Bang để vào cửa Bạch Đằng rồi
ngược Vạn Kiếp xem Áo-lỗ-xích có tin tức gì mới không.
Khi đại đội binh thuyền của Ô-mã-nhi kéo tới gần cửa An Bang thì đã
non nửa chiều rồi.
Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư cho quân phục sẵn chờ giặc từ lâu.
Nay chúng mới tới, thật là một cơ hội tốt cho các tướng lập công. Nguyễn
Khoái, Nguyễn Chế Nghĩa từng tham gia đánh tan đoàn quân tải lương của
Trương Văn Hổ, nay lại có mặt ở đây chờ bắt Ô-mã-nhi.
Mặc dù trận chiến khốc liệt vừa diễn ra ở gần cửa Đại Bàng hôm
trước, nhưng sao bữa nay lại có vẻ thanh bình làm vậy. Bầu trời xanh và cao
thăm thẳm, nắng xuân chợt lóe hoe vàng, chim hải âu chao liệng trắng trời,
bên mạn thuyền cá heo bơi lội từng đàn nhưng khi quân giặc vừa ném cơm,
ném bánh xuống biển với những lời cầu khấn thiêng liêng thì chúng lại bỏ
đi hết, không một con nào thèm đớp mồi. Lạ thay!
Đoàn hải binh giặc với hơn ba trăm chiến thuyền, buồm nào buồm ấy
no gió căng phồng đi phăng phăng như ngựa chạy, thoạt trông có vẻ oai
hùng, nhưng nhìn kỹ mới thấy nó xộc xệch, cờ xí nhiều lá đã rách bươm,
thứ đến là buồm, nhiều lá đã rách vá hai ba màu vải. Ngay cả những chiếc
thuyền to đùng kia nhiều chiếc cũng rệu rã, sàn ván gãy, thủng lỗ chỗ bởi
qua các trận giao tranh, trận nào quân Nguyên cũng thiệt hại đáng kể mà
chúng vẫn chưa kịp tu bổ hoặc thay thế. Và trận nào quân nó cũng chết la
liệt. Có điều rằng quân giặc đông quá, nó lúc nhúc như những đám giòi bọ,
vì vậy nếu nó có chết tới cả mấy ngàn, thậm chí cả chục ngàn tên thì cũng
chẳng hề hấn gì. Vả lại có chết cũng chỉ là chết đám quân người Hán, một
thứ dân nô lệ bị bắt đi lót đường hoặc làm bia che đỡ tên đạn cho quân
Mông Cổ.