XIV
Đã tới lúc có thể xoay đổi thế cuộc, Quốc công tiết chế cho triệu một
số tướng lĩnh chủ chốt về đại bản doanh bàn kế. Trong số các tướng có
Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật,
Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư, Hưng Ninh vương Trần Tung, Hưng Vũ
vương Trần Quốc Nghiễn, Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng cùng một
số tướng lĩnh khác như Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái…
Khi các tướng đã tề tựu đông đủ, Hưng Đạo nói lời yên ủi, tuyên
dương công trạng từng vị, và thông báo diễn biến trên các mặt trận cho mọi
người được biết. Sau đó Quốc công mời tất cả cùng sang “cung” hai vua để
tâu báo mọi việc và xin ý chỉ cho các công việc sắp tới. Gọi là “cung”,
nhưng ở nơi di tán trong rừng sâu cũng chỉ là những căn nhà tranh tre nứa lá
cất tạm, tường vách là những tấm phên thưa không ngăn nổi gió lùa. Và để
tránh rắn rết, trong các lán tranh thường gác sàn làm chỗ ngủ, nghỉ hoặc hội
họp.
Thấy các tướng về chầu bất thường, thượng hoàng vui lắm. Chắc có
chuyện lớn đây. Vừa trông thấy Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư, thượng
hoàng bèn vẫy tay cho ông lại gần. Vừa nắm tay Trần Khánh Dư nhà vua
vừa nói:
- Tiêu diệt cả một đoàn thuyền lương mấy chục vạn thạch, khanh lập
công đầu. Kế giả thua để lừa giặc của khanh cho tới nay giặc vẫn chưa biết,
cùng với kế giả yếu của Quốc công để nuôi lòng kiêu ngạo của giặc, cho tới
nay giặc cũng vẫn chưa hay, vẫn ngộ nhận là nó mạnh. Quả thật lũ tướng
súy Hốt-tất-liệt là một bầy khiếm thị. Thảo nào khi hay tin giặc sắp tràn vào
bờ cõi, ta hỏi năm nay đánh giặc thế nào, Quốc công thản nhiên đáp: “Kim
niên tặc nhàn”. Nhìn về phía Hưng Đạo, thượng hoàng cười lớn và nói:
“Anh Quốc Tuấn quả là một nhà tiên tri bậc thầy”.