được. Bởi vậy khả năng viện binh là không thể có. Còn như hiện nay Quốc
công đã phái quân lên Nội Bàng, Khâu Ôn, Khâu Cấp, Lộc Bình… để phối
với quân người man chính là nhằm tiêu diệt quân giặc khi nó trốn chạy, và
cũng là ngăn cản đường tiếp lương nhỏ lẻ của nó vẫn lén lút từ Quảng Tây
sang. Cho nên theo tôi lúc này ta nên bàn việc chặn đánh thế nào không cho
giặc rút được an toàn.
Thượng tướng Trần Nhật Duật nối lời:
- Chiêu Minh vương nói rất có lý. Nhưng thực chất lực lượng giặc tới
lúc này, sự thiệt hại của chúng là chưa đáng kể. Mà binh pháp Tôn Tử có
nói: “Chớ cản quân về” hoặc “Giặc cùng đường chớ bức bách”. Vậy ta có
nên chặn nó hoặc cũng phải mở đường cho nó rút đi, còn ta chỉ nên phục
quân đánh tạt sườn hoặc chặn đuôi để tiêu diệt một phần quân của nó thôi.
Như thế ta có thể gây thiệt hại cho giặc mà đỡ tốn máu xương quân ta.
Trần Thì Kiến một viên tướng nổi tiếng về tính cương trực, trước là
gia thần của phủ Hưng Đạo xin nói:
- Hai vị thượng tướng kiến giải rất hữu lý, tôi không dám lạm bàn.
Chỉ xin nói cái thiển ý của riêng tôi. Giặc vốn ngạo mạn, coi quân ta như cỏ
rác, coi nước ta như quận huyện của nó. Kể từ năm Đinh Tị tới nay chúng
đã ba lần kéo quân sang xâm lược. Hai lần đã thua nhục nhã. Lần này thì
chúng đang lâm vào thế chết. Quân không lương là quân chết. Vậy tại sao ta
không nhân cái thế thượng phong này mà tiêu diệt sạch sành sanh quân nó,
dạy cho thiên triều và cả thiên tử một bài học để chúng phải chừa tới muôn
sau.
Các tướng trẻ như Nhân đức hầu Trần Toàn, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn
Khoái cũng đang nhấp nhổm muốn xin nói. Vua Nhân tông trông thấy liền
giục:
- Nào Nguyễn Khoái, Phạm Ngũ Lão… các tướng trẻ thử nói ý của
các khanh xem sao.
Nguyễn Khoái với vẻ cung kính nói: