- Giặc bỏ đất đai, bỏ cả kinh thành trốn biệt vào núi rừng hiểm trở,
tránh giao tranh là cốt để bảo toàn lực lượng nấn ná chờ cho xuân qua hạ
tới. Khi đó trời nóng bức lại mưa nhiều, chướng khí hoành hành bệnh tật
trong quân ta phát triển, ấy là lúc giặc tìm cách phản công. Hơn nữa lương
thực trong quân đã cạn mà Trương Văn Hổ thì ngày một biệt tăm. Có nhẽ
chủ tướng nên trù liệu sớm đi kẻo không kịp.
Thoát-hoan ngầm hiểu lòng quân đã nản. Và A-ba-tri nói: “trù liệu
sớm đi kẻo không kịp” là ý khuyên ta nên lui quân về Bắc chớ để thời cơ
cho giặc lấn.
Vài ngày sau tức đầu tháng hai năm Mậu Tý (1288), Thoát-hoan hạ
lệnh bỏ Thăng Long lui về giữ lấy Vạn Kiếp.
Việc giặc rút khỏi Thăng Long vào lúc này quả thực không dễ như khi
nó đến. Vừa ra khỏi Thăng Long độ mươi dặm thì từ quân thủy, quân kỵ
đến quân bộ đều bị quân dân Đại Việt chặn đánh. Có những đoạn chiến sự
nổ ra quyết liệt, cả ngày giặc chỉ tiến được non mười dặm. Và cứ đi dăm
bảy dặm lại có giao tranh khiến tinh thần binh sĩ giặc vừa mệt mỏi vừa
hoảng loạn.
Vừa về tới Vạn Kiếp chưa kịp nghỉ ngơi, Thoát-hoan đã cho triệu Ô-
mã-nhi, Phàn Tiếp đến trách:
- Các ông là tướng hùm sói của triều đình, thiên tử tin tưởng trao cho
thống lĩnh quân thủy, hộ vệ đoàn thuyền tải lương của Trương Văn Hổ, thế
mà để mấy chục vạn thạch lương rơi vào tay quân An Nam khiến đại quân
của ta rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Các ông thử nghĩ giùm ta
xem, nếu giặc triệt để bao vây lương thực thì quân ta sẽ trở thành lũ ma đói.
Chúng sẽ nổi loạn. Quân ta tự tan rã mà giặc không cần đánh.
Cảm thấy mình có lỗi, nguyên soái Ô-mã-nhi cúi gằm mặt xuống.
Tham chính Phàn Tiếp vội đỡ lời:
- Trong việc này mạt tướng cũng có lỗi vì chỉ muốn tiến nhanh để hội
quân tiện cho Trấn Nam vương sai khiến. Hơn nữa nguyên soái đã hai ba
lần gặng hỏi có cần để lại một vài vạn quân hộ tống thì Trương Văn Hổ vội