Vậy nên xin bệ hạ và Quốc công sai bảo để kịp chia quân đi bắt giặc
phải đền tội ác.
Vua Nhân tông rưng rưng cảm động trước sự tận trung với nước của
chư tướng và binh sĩ, ngài nói:
- Thế nước đứng được như hiện nay là nhờ vào tướng súy và binh sĩ
cùng muôn dân, triều đình không dựa vào dân, không dựa vào binh sĩ thì
lấy ai đánh giặc. Mấy phen giặc vào cõi gây xiết bao tội ác trời người đều
không thể dung tha. Vừa mới đây Ô-mã-nhi theo hút ta và thượng hoàng,
nhưng thực chất là nó theo chú Chiêu Văn và Ngũ Lão. Thất vọng, giặc nổi
khùng làm điều táng tận lương tâm là chúng về Thái Đường, dám đụng đến
phần mộ tổ tông khiến lòng ta đau xót. Cũng may mà giặc chưa đụng đến
phần quan quách và khi chúng vừa đi khỏi, dân chúng đã kịp hoàn thổ.
Tự nhiên đầu óc nhà vua cảm thấy nặng trĩu, gương mặt ngài hiện rõ
nỗi buồn lo.
Người Việt ta có câu: “Sống về mồ về mả, chứ không sống về cả bát
cơm”. Đúng là giặc đã đụng đến phần thiêng liêng nhất của tâm linh Việt,
mà Nhân tông lại vốn là người chí hiếu, tránh sao khỏi nỗi đau dứt ruột.
Thấy cảnh tượng nặng nề, Hưng Đạo liền lên tiếng:
- Thần hứa với bệ hạ sẽ bắt sống lũ tướng giặc man rợ này, để bệ hạ
chém đầu chúng lấy máu rửa binh khí trong lễ hiến phù ở nhà Thái miếu.
Thấy vị Quốc công tiết chế nói cứng cỏi, các tướng đều đồng thanh
hô:
- Chúng thần thề sẽ bắt tướng giặc đền tội!
Kế đó Hưng Đạo sai các tướng chia quân đi chẹn các ngả dự liệu giặc
sẽ tháo chạy. Và ông đem theo một số tướng trẻ theo mình như Nguyễn
Khoái, Trần Toàn, Nguyễn Chế Nghĩa… cùng phó tướng Trần Khánh Dư ra
ngay Vân Đồn. Công việc tại đại bản doanh Quốc công trao cho Chiêu
Minh vương Trần Quang Khải điều hành, kể cả việc phò giá.
Tới Vân Đồn, Hưng Đạo mật bàn với Trần Khánh Dư: