- Cái thế của giặc ắt phải bỏ cuộc, bỏ nước ta mà trốn chạy, nếu chúng
không muốn bị bắt, bị giết toàn bộ giặc tất phải chạy theo hai ngả thủy, bộ.
Nhưng bằng cách nào ta có thể giết và bắt được nhiều giặc?
Trần Khánh Dư đăm chiêu suy nghĩ, một lát, ông đáp:
- Phải dồn giặc vào những cái túi, tựa như chiếc giỏ cài hom đặt dưới
rốn chiếc vó bè.
- Ông có dự liệu đặt vó ở những chỗ nào chưa? - Hưng Đạo nhìn
thẳng vào mắt Trần Khánh Dư chờ câu trả lời.
Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư cân nhắc rồi đáp:
- Có nhẽ mặt bộ, giặc sẽ rút theo các nẻo đường mà chúng đã vào
nước ta. Ngoài ra không còn đường nào khác. Tuy nhiên, không biết Thoát-
hoan sẽ chạy đường nào. Còn như mặt thủy, giặc không thể chạy ngược lên
Bạch Hạc rồi theo Thao Giang mà về Vân Nam được. Bởi mùa này thượng
lưu ít nước sông cạn lại có đá ngầm thuyền quân không thể đi được. Vậy
chỉ có con đường duy nhất giặc phải qua là sông Bạch Đằng, rồi từ đó thoát
qua cửa An Bang hoặc cửa Đại Bàng mà ra biển. Ta có thể kiềm chế giặc ở
sông Bạch Đằng, còn như ở đoạn nào chắc quốc công đã có chủ kiến vì
quốc công đã khảo sát kỹ trước khi nổ ra chiến tranh.
Quốc Tuấn gật đầu tán thưởng, ông tỏ ra hài lòng về những kiến giải
của Nhân Huệ vương mà ông cho là bậc trí tướng. Đoạn ông mỉm cười đáp:
- Nhân Huệ vương quả là biết rõ cả gan ruột ta. Có mấy quyển binh
pháp ta viết đó, dẹp xong giặc ta muốn ông nhuận sắc cho. Còn việc đuổi
quân thủy của giặc, ông cùng Quốc Tảng lo bịt cho ta vùng Cửa Lục, cửa
An Bang và khu vực Vân Đồn phòng khi giặc từ Bạch Đằng sổng ra.
- Hạ cấp quyết không phụ lòng.
Nhân Huệ vương nhận mệnh với lòng biết ơn và cả sự quả quyết.