III
Sau buổi nghị bàn với các tướng lĩnh ở Thăng Long, Hưng Đạo lại
xuôi thuyền về Vạn Kiếp. Ông bắt tay ngay vào việc đốc thúc các tướng
luyện quân, tự mình đi xem xét các nơi rèn đúc, tạo tác khí giới. Quốc công
để tâm nhiều vào các chủng quân như thủy binh, tượng binh và các đội thần
vũ (tức là quân tinh nhuệ, xa thì dùng nỏ liên châu, gần thì đánh bằng giáo,
mác hoặc đoản đao).
Quốc công cũng răn các tướng nên chia quân ra mà diễn tập, phải đặt
ra nhiều trạng huống khác nhau kể cả bất ngờ gặp quân kỵ của giặc giữa
đồng không mông quạnh, tức là gặp giặc đang ở cái thế mà nó mạnh nhất,
nó phát tác được hết sở trường của nó, còn ta lại rơi vào tình thế cực kỳ khó
khăn phải bộc lộ sở đoản của quân mình. Rơi vào tình thế đó thì chống đỡ
ra sao?…
Sắp đặt công việc cho các gia tướng, gia thần ở ấp Vạn Kiếp xong,
Hưng Đạo sai chuẩn bị thuyền cho ông đi khảo xét và ông chỉ đem theo một
đô quân hộ vệ; tháp tùng có Yết Kiêu, Dã Tượng, Trương Hán Siêu, Phạm
Ngũ Lão và một số gia tướng gia thần khác.
Khi mặt trời khuất sau dãy núi Nham Biền, ở phía trời tây chỉ còn rơi
rớt chút ánh vàng trên mặt nước Lục Đầu giang thì ông xuống thuyền ở bến
Đại Than xuôi dọc theo sông Bình Than.
Đêm yên tĩnh, xuôi nước xuôi gió thuyền đi nhẹ như lướt. Trăng giữa
tháng tỏa ánh sáng xanh lạnh xuống trần gian. Thuyền đi giữa hai bờ lau
lách um tùm như đi vào một chiếc hang dài vô tận. Có đoạn rừng cây ăn sát
mép nước, có đoạn thuyền men bên vách núi điệp trùng. Cảnh trí thật là
hùng vĩ. Trong thuyền leo lét mấy quạng đèn dầu lạc, mỗi quạng tới năm,
sáu đĩa đèn, mỗi đĩa lại châm tới hai, ba ngọn bấc.