Hưng Đạo cùng mấy vị gia tướng, gia thần ngồi quây quần giữa sạp
thuyền bên khay trà đang bốc khói. Trương Hán Siêu từ khi xuống thuyền
vẫn hí hoáy vẽ, ông vừa quan sát hai bên tả hữu ngạn dòng sông vừa vẽ,
vừa viết lời chú dẫn ở những điểm có dấu khuyên son.
Hưng Đạo liếc nhìn những tờ giấy can rộng cùng những nét vẽ chắp
nối, ông khẽ nhắc Trương Hán Siêu:
- Ông đã đi cùng ta nhiều lần, đã họa các bản đồ của dòng sông này
nhiều kích thước khác nhau, lần này ta muốn có một bản đồ họa vào đêm
trăng theo tầm nhìn các địa hình bằng mắt thường, lượt về ông sẽ họa cho ta
một bản đồ khác vào đêm tối trời, để thủy quân của ta phải thuộc nằm lòng
hình thể núi sông con đường thủy độc đạo mà quan trọng vào bậc nhất này
của Đại Việt. Các tướng phải hình dung đầy đủ luồng lạch, đá ngầm cùng
những vật cản trong lòng sông khi nước cường, khi nước rặc và cả những gì
hiện có ở hai bên tả hữu ngạn. Phải thuộc nó như các đường chỉ lòng bàn
tay mình, dù ban ngày hay ban đêm cũng không thể nhầm lẫn, nhất là
những khe, lạch, những ngả rẽ, những chi lưu.
Căn dặn xong Trương Hán Siêu, Hưng Đạo ngửng lên nói với các
tướng:
- Trời ban cho Đại Việt ta dòng sông này để thủ hiểm và cũng là để ta
kình chống với giặc Bắc.
Trăng sáng vằng vặc tãi xuống mặt nước sông khiến sóng lao xao màu
ánh bạc. Hai bên bờ rừng cây ken dày như những thành lũy chạy dài hun
hút mà dòng sông nom nhỏ như một con rồng cứ thung thăng uốn lượn theo
hình thế của đôi bờ. Cuối thu, gió heo may đã chớm lạnh vừa ào qua các
cửa sổ khoang thuyền thổi tắt mấy đĩa đèn kê bên cửa sổ. Hưng Đạo so vai
xốc chiếc áo khoác ngoài và ông đưa tay gài khuy cổ chiếc áo cộc lụa nâu
đang mặc.
Hai gã gia đồng theo hầu bê ra một bình rượu hình lục lăng màu ngà
men rạn từng mặt có trổ hình dũng sĩ ném lao màu nâu sẫm, bình có quai
xách và có cả chiếc vòi rót ngắn ngủi nằm ở gần phía vai bình, gã kia đặt
chiếc khay sơn màu cánh gián với mười chiếc bát nhỏ cao thành, chân đế