cũng cao hơn các loại chén, bát cùng cỡ và trên thành bát cũng có hình
trang trí như thành bình.
Hai gã gia đồng vừa đặt bình và khay xuống toan rót rượu, Hưng Đạo
phảy tay cho lui.
Các tướng vẫn ngồi quây quần bên vị chủ tướng trên sạp thuyền,
Hưng Đạo tươi cười giục:
- Nào, rót rượu ra thưởng trăng rồi ta bàn việc quân nhân thể.
Yết Kiêu với tay lấy bình rượu rót ra chén, ông đưa mời Quốc công.
Hưng Đạo đỡ lấy bát rượu rồi giục các tướng:
- Nào các ông, ta cùng uống!
Từ sau trận thắng giặc Nguyên năm Ất Dậu, tính nết Quốc công trầm
hẳn xuống, và cách xưng hô với các gia tướng, gia thần, gia nô cũng bình dị
và thân mật gần gũi hơn. Ngay với Trương Hán Siêu là người trẻ tuổi nhất
trong đám gia thần, trước Quốc công vẫn gọi bằng “ngươi”, nay ngài đều
gọi bằng “ông” hoặc gọi chung họ là “các ông”.
Mỗi người bê một bát rồi uống theo vị chủ tướng. Mùi rượu thơm làm
ấm cả khoang thuyền. Các tướng đặt bát rượu xuống khay rồi cùng hô:
- Tạ ơn Quốc công cho uống rượu ngon.
Vẻ thân tình, Hưng Đạo nói:
- Một bát rượu bõ bèn gì, nếu nói rằng ơn thì ta phải ơn các ông nhiều
lắm.
Các tướng ngước nhìn Hưng Đạo với vẻ ngạc nhiên. Quốc công chậm
rãi:
- Ta nhớ trận kháng giặc ở Nội Bàng năm trước, thấy thế giặc lớn khó
bề cản nổi, ta cho lui quân theo hai đường thủy bộ, lấy hậu quân làm tiền
quân. Ta vừa cản giặc vừa lùi dần từng bước cho hậu quân rút được nhanh
hơn, an toàn hơn. Bữa ấy ta có dặn Yết Kiêu giữ một lá thuyền với vài chục
tay chèo khỏe chờ ta ở Bãi Tân. Khi thấy quân lui đã xa mà trời cũng đã về
chiều, ta bèn lên ngựa cùng Dã Tượng phi nước đại ra phía bờ sông. Ta biết