là chuyện trục lợi cả thôi. Vì vậy dân oán làm thành ca vè. Việc này không
biết có mấy phần sự thực. Nghĩ vậy Trần Thì Kiến liền hỏi:
- Bẩm thượng tướng, tôi hỏi có điều gì thất lễ xin thượng tướng bỏ
qua, bởi tôi nghe có ai đó tặng ông một bài thơ trong đó có câu: “Vân Đồn
kê khuyển diệc giai kinh” (Ở Vân Đồn (này) đến gà chó cũng phải sợ (ông))
là ý như thế nào ạ?
Lạ thay, Trần Khánh Dư không những không giận mà còn cười ha hả.
Ông đáp:
- Chẳng qua là tôi coi quân, trị dân rất nghiêm. Người có tội thì dù
thân thích tôi cũng không tha. Câu thơ vừa qua họ nói cái ý dân Vân Đồn
này đều kính sợ tôi thôi chứ có gì đâu. Thế nhưng những người ghét tôi lại
bịa đặt vu cho tôi là tham lam vơ vét đến cả gà chó cũng phải kinh hoàng.
Mọi người cười phá lên vẻ bán tín bán nghi và đều nhìn về phía chủ
tướng Trần Hưng Đạo như muốn người cho một lời xác quyết.
Trần Hưng Đạo vừa mỉm cười vừa ve vuốt chòm râu dài sợi nào sợi
ấy đều sóng như cước, đoạn ông nói:
- Phiêu kỵ thượng tướng quân là một người có học thức, có tài thao
lược, xuất thân từ chốn quyền môn nhưng cũng trải gập ghềnh sóng gió, cả
lam lũ nữa, ta chắc vì thế mà tướng quân hiểu mình, hiểu đời, mỗi việc làm
đều có cân nhắc. Hoàng thượng sai ông trấn trị vùng này có hai việc tối
quan trọng, ấy là chăm dân và giữ nước. Mà chăm dân tức là giữ nước đấy.
Có chăm được dân mới giữ được nước. Nếu chẳng may nhất thời bị mất
nước vẫn còn có thời cơ đòi lại nước, vì còn dân ắt còn nước. Nhược bằng
để mất dân là mất tất cả. Cả nước và cả thân đều nhất đán tiêu vong.
Quốc công tiết chế ngừng lời, ông đưa tầm mắt nhìn ra bao la trời
biển, dường như những điều ông vừa nói đã bứt khỏi đầu óc. Chợt vương
quay lại nhìn mọi người với ánh mắt trìu mến và nói tiếp: - Nước ta giàu và
đẹp lắm, núi non biển cả hùng vĩ lắm không phải nước nào cũng có được
đâu. Người phương Bắc thèm nhỏ rãi tựa như con vật bị xích chỉ cách
miếng mồi trong gang tấc mà không sao đớp được. Từ Tần, Hán, Lương,
Đường, Tống tới nay cái dã tâm của người phương Bắc đối với nước ta