những nơi vườn không nhà trống thì chúng tàn phá, thiêu đốt, đập phá nhằm
triệt nguồn sống của dân ta.
Nhà vua lo nhất là cuộc sống hàng ngày của mỗi gia đình và cả nỗi
bất hạnh của họ do quân thù đem lại.
Không yên tâm, vua cho các quan về các vùng có chiến sự đi qua để
an ủi người dân, xem xét kỹ về cuộc sống của họ, nhất là về mặt tinh thần,
nếu như quân thù lại tái xâm lược, liệu họ có còn đủ sức lực và lòng cương
dũng đứng lên cầm vũ khí kháng giặc nữa không.
Trong khi các quan đi về các lộ để kiểm xét thực trạng tình cảnh của
người dân sau chiến tranh thì tại triều đình, vua Nhân tông tuyên triệu
những tướng lĩnh hàng đầu trong cuộc chiến vừa qua về triều bàn quốc sự.
Triều đình đang cho sửa sang và tẩy uế các cung thất. Cung Cảnh
Linh bị Thoát-hoan chiếm làm nơi hành lạc. Điện Thiên An giặc biến thành
trại lính… các cung thất khác chúng chiếm làm nơi ăn ở và cướp đi những
gì có thể cướp. Tranh tượng chúng đập phá, tường vách chúng bôi lem.
Khắp nơi có quân giặc đóng đều khẳm mùi tương mốc, mùi hành tỏi, mùi
hôi lính, mùi hôi lừa ngựa, và kinh tởm nhất là mùi tanh khẳn do đờm rãi
khạc nhổ bừa bãi do thói quen của đám quân tàu ô người Hán.
Công việc tẩy uế xong, người ở cung nào lại về cung ấy. Những cung
bị giặc đốt, giặc triệt phá thì tạm dựng lại bằng tranh tre, chờ đất nước yên
bình, mùa vụ trong dân gian hồi phục rồi sẽ tính sau.
Từ ngày đuổi hết giặc ra khỏi bờ cõi, vua Thánh tông trao trọn việc
nước cho con. Một phần vì vua Nhân tông đã trưởng thành vượt bậc trong
việc điều hành bộ máy chiến tranh, đánh bại mấy chục vạn quân cường bạo
của tên quỷ dữ Hốt-tất-liệt, với những tên tướng lừng danh như: Ô-mã-nhi,
A-lí Hải-nha, Toa-đô, Bôn-kha-đa, Mang-cổ-đải, Lưu Quốc Kiệt, Lưu Thế
Anh, Trịnh Bằng Phi, Lý Hằng, Lý Quán… do đích thân Thoát-hoan là con
trai của Hốt-tất-liệt được y phong là Trấn Nam vương cầm đầu. Mặt khác,
Thánh tông tuổi cũng đã cao, sức lực đã giảm nhiều vì suốt mấy chục năm
phải lo đối phó với phương Bắc, và lúc nào chúng cũng dọa nạt xâm lăng.