“Chiêu văn đồng tử”, vì vậy vua cha mới cho lấy vương hiệu là Chiêu Văn.
Ông sinh năm Ất Mão (1255) hơn vua Nhân tông đúng ba tuổi. Năm nay
nhà vua vào tuổi hai mươi tám còn ông chú cũng mới ba mươi mốt tuổi.
Biết ý tứ nhà vua, Trần Nhật Duật bèn xuất ban xin nói:
- Tâu hoàng thượng, thưa các đồng liệt, cái nhẽ ta thắng, giặc thua
đúng như hoàng thượng vừa dụ bảo rằng: “Tướng lĩnh của ta mưu lược,
chiến binh của ta kiên cường, trăm họ đồng lòng đánh giặc, giữ nước”.
Theo thần, ngoài các nhẽ trên còn phải tính đến hai vua sáng suốt, mẫu mực
can trường, nhìn xa thấy rộng, thắng không kiêu, bại không nản, có lòng
khoan dung độ lượng, ôm trùm được hết thảy, không những chỉ cho người
dưới các điều họ chưa thấy mà còn biết nghe người dưới các điều mà nhà
vua chưa tính đến. Vì vậy mà với cương vị người quân trưởng, nhà vua loại
bỏ được các việc bất lợi, tận dụng được mọi kế hay của người dưới nên đã
biến nguy thành an, biến yếu thành mạnh, biến thua thành thắng. Trong
công cuộc kình chống giặc dữ vừa qua, Đại Việt ta thủ thắng, công ấy
không thể quy cho một người nào cả, mà phải nói thắng lợi ấy là công lao
của cả nước. Cả nước ví như một cơ thể gồm chân tay, thân thể đó là tướng
lĩnh, binh sĩ và trăm họ thì bệ hạ chính là óc não của cái cơ thể đó.
Nghe thượng tướng Trần Nhật Duật nói, ai cũng cho đó là lời nói có
tình, có lý, lời của bậc trung thần.
Trần Nhật Duật vừa hồi ban thì tướng quân Phạm Ngũ Lão liền xuất
ban, ông nói:
- Tâu hoàng thượng, thưa chư liệt vị, sở dĩ ta thắng giặc là bởi ta bảo
toàn được lực lượng, ta biết tránh mạnh đánh yếu nên ta thủ thắng, ta nhàn
sức quân. Nhớ ngày quân giặc mới vào, thần giữ ải Lão Thử
[2]
, địa thế ở
đây hiểm trở tới mức nhiều người đã coi nó có khả năng nhất nhân địch
vạn. Quả vậy, giặc xông vào hết đợt ấy đến đợt khác chúng chết chồng chết
đống không một đứa nào chạy thoát. Vậy mà phía sau, tướng nó vẫn thúc
quân vượt lên xác nhau mà tiến. Đúng là người Mông Cổ đem lính Hán làm
vật lót đường, nên chúng không tiếc máu xương binh sĩ.