Sáng ra, dùng xong ấm trà sớm và ăn điểm tâm, Hưng Đạo ung dung
bước xuống thuyền xuôi về Vạn Kiếp, lòng thanh thản.
Mấy đứa trạo nhi đưa con thuyền nan theo dòng Tô Lịch ra cửa Hà
Khẩu rồi hòa vào sông Cái ngược về sông Thiên Đức
[28]
. Nhập vào sông
Cái, dòng sông mênh mang, tuy đã sang thu nhưng nước nguồn vẫn đang đổ
về rất mạnh. Hai bên bờ sông cây cối ăn sát mép nước, đó là những dải rừng
rậm rạp mà phía sau nó là những cánh đồng lúa xen kẽ giữa các ngôi làng.
Mặt trời lên đã chênh chếch ngọn tre mà vẫn chưa xua sương mù khiến bầu
trời có màu trắng đục như màu sữa. Thỉnh thoảng có một đàn cò bay chấp
chới lướt qua mặt sông rồi sà đậu xuống bờ nước kiếm ăn.
Hưng Đạo đã đi lại tới cả ngàn lần trên mặt sông này, ông thuộc nằm
lòng các vật trên hai bờ và cả thủy chế của dòng sông qua các mùa, ấy vậy
mà bữa nay ông ngắm nhìn nó hết tả ngạn qua hữu ngạn, nhìn suốt hạ lưu
lại ngoái xem thượng lưu cứ như là ông mới qua đây lần đầu.
Khi thuyền vào sông Thiên Đức để xuôi về Vạn Kiếp, lúc này vừa
thuận gió vừa xuôi nước, đám trạo nhi đã giương buồm, thuyền lao đi vun
vút như ngựa chạy, Hưng Đạo sai buông rèm rồi ông vào trong khoang nằm
ngủ, lại dặn đám quân hầu: “Khi nào thuyền cập bến mới được đánh thức ta
dậy”.
Chừng nhai tàn miếng trầu, đám quân theo hầu đã thấy vương ngáy,
và họ quanh quẩn phía ngoài canh cho vương ngủ.
Trời tối sẫm, khoảng đầu giờ tuất thuyền cập bến, mũi thuyền va nhẹ
vào bờ khiến vương thức giấc.
Nhà tân khách đèn đốt sáng lòa, các gia tướng gia thần đã tề tựu đông
đủ chờ đón chủ tướng.
Hưng Đạo ghé nhà tân khách cho mọi người chào hỏi. Chủ tướng nói
đôi lời và hẹn một lát sau ông quay lại. Liền đó ông vào nhà hậu đường vấn
an phu nhân.
Thấy Quốc công trở về với giọng nói hồ hởi và gương mặt rạng rỡ
như có điều gì vui lắm đang ủ giấu ở trong lòng, phu nhân liền hỏi: