- Thế còn các tướng khác nghĩ sao, nó mới thua ta năm ngoái phải rút
về kia mà.
- Bẩm, Hốt-tất-liệt ngạo mạn coi cả gầm trời này là của nó. Như
Trung Hoa mênh mông là thế, kho người kho của, nhân tài tuấn kiệt nào có
thiếu gì đâu thế mà cũng phải phủ phục dưới vó ngựa Mông Cổ, chịu làm
nô lệ cho Hốt-tất-liệt, nhưng nảy nòi ra cái xứ “chướng hải cùng sơn” (núi
cùng biển độc), nước chỉ bé bằng cái bàn tay với một dúm người lại không
chịu quy hàng. Lần nào con trời (thiên tử) cử binh đến chinh phục cũng đều
bị đánh bại. Đó chính là nỗi nhục của Hốt-tất-liệt đối với các nước bề tôi.
Và thưa Quốc công sớm muộn Hốt-tất-liệt lại đánh ta là điều hiển nhiên.
Lời nói gãy gọn, biện bác có lý chẳng cần nhìn mặt Quốc công cũng
biết đó là Trần Thì Kiến.
Hưng Đạo thong thả nói:
- Các ông nói đều đúng cả. Hốt-tất-liệt đang động binh. Giặc đã đóng
xong hơn năm trăm chiến thuyền, thuần cỡ lớn, mỗi thuyền chở được hơn
hai trăm quân kèm theo binh khí, nước và lương thực đủ dùng từ hai mươi
đến ba mươi ngày.
Quốc công nói kỹ về âm mưu của giặc và lực lượng chúng định đưa
vào Đại Việt lần này. Lại nói giặc sẽ thay đổi cách đánh. Bởi trận chiến năm
Ất Dậu cứ động giao chiến với quân thủy của ta là giặc thua. Cho nên lần
này giặc muốn đọ sức với ta về thủy trận. Vì thế giặc cho đóng thuyền bè,
mộ quân thủy lấy từ dân chài vùng Giang Nam.
Cuối cùng Quốc công báo cho các tướng chuẩn bị cho cuộc tập trận
lớn vào trung tuần tháng một sắp tới, đợt trước là ba tháng tập trận riêng,
sau đó hai mũi thượng hạ lưu cùng với mũi quân bộ ở phía bắc đóng làm
quân Nguyên tất cả đều kéo về vây đánh quân Đại Việt ở Vạn Kiếp. Tính ra
cuộc đại diễn tập này phải kéo dài tới ba tháng. Đợt một trù liệu một tháng.
Đợt hai quy mô cực lớn dồn vào trong hai tháng kể cũng hơi gấp.
Các tướng lần lượt hỏi han phần việc của mình, quá nửa đêm mới
xong công việc, trước khi về nghỉ Hưng Đạo dặn thêm: