bằng tre xếp thành hàng. Ai nấy đã vào chỗ. Các con của vương không ngồi
tụm lại mà ngồi xen kẽ. Ví như Hưng Võ vương Trần Quốc Nghiễn ngồi
cạnh Trần Thì Kiến, Hưng Hiếu vương Trần Quốc Uất ngồi cạnh Phạm Ngũ
Lão, Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng ngồi cạnh Trương Hán Siêu,
Hưng Trí vương Trần Quốc Hiến ngồi cạnh Ngô Sĩ Thường.
Các vương cùng các gia tướng gia thần hỏi han công việc của nhau
thật là rôm rả.
Trần Thì Kiến hỏi vương Nghiễn:
- Vương từ biên ải về, vậy chớ biên thùy có động tĩnh gì không?
- Ta chưa thấy lúc nào mà biên thùy lại tĩnh như lúc này, Nghiễn đáp.
- Biên thùy yên tĩnh hẳn là phía trong giặc đang có âm mưu gì đó.
- Ta cũng nghĩ như thế, nên dù phụ thân cho triệu cũng có dám về
ngay đâu mà còn phải đi kiểm xét lại một lượt rồi trao quyền cho đô phó
tướng mới rời quân doanh.
Trần Quốc Tảng quay ra nói với Trương Hán Siêu:
- Ta nghe nói tiên sinh làm thơ giỏi lắm phải không, thân phụ ta
thường khen ông thông minh. Ông đã đôn vào thành mấy tập rồi?
- Đa tạ tướng quân hỏi thăm và có lời khen. Trương Hán Siêu cảm tạ
và nói lời hóm hỉnh:
- Thật ra làm thơ giỏi tức là làm nhanh và làm nhiều, người làm thơ
như thế thì lấy quý hồ đa chứ không lấy quý hồ tinh. Nói thật với tướng
quân, tôi làm thơ chậm lắm. Chắc cũng được ít bài vứt rải rác, phu nhân tôi
thường lén nhặt cất đi. Cho tới nay tôi cũng không nhớ đã làm được bao
nhiêu bài. Dạ hay thì tôi không dám chắc. Thơ hay ví như châu ngọc. Châu
ngọc sở dĩ quý vì nó hiếm. Nếu tôi có thơ hay ví như tôi có châu ngọc. Mà
đã có của quý như châu ngọc chắc là không thể quên được. Tôi không nhớ
được thơ tôi, tất nó chưa phải thơ hay.
- Tôi có ông bác tu thiền, cũng có làm thơ, nhiều người khen thơ của
bác ấy hay lắm, chẳng biết tiên sinh đã có dịp coi qua.