- Dạ, có phải cụ Hưng Ninh vương?
- Đúng! Bá phụ tôi đấy.
- Tôi có được đọc một số bài thơ cụ làm phóng khoáng nhưng ý tứ
thâm trầm lắm, đám trẻ chúng tôi chỉ có đứng xa mà vái chứ không theo
được.
- Trong số thơ của bác mà tôi đọc, tôi thích nhất bài Phóng cuồng ca,
tiên sinh thấy bài ấy thế nào?
- Dám hỏi vì sao mà tướng quân thích bài đó?
- Có gì đâu, tôi thấy cái khí văn nó chất ngất ngang tàng của một bậc
anh hùng mã thượng, nó hợp với cái tạng của tôi.
- Tướng quân quả có khiếu năng thẩm thi. Võ tướng mà yêu thơ như
tướng quân kể cũng hiếm.
- Có hiếm như châu ngọc không? Trần Quốc Tảng đùa vui. Lại hỏi:
- Tôi muốn biết ý riêng của tiên sinh về bài Phóng cuồng ca.
- Dạ, tôi chưa đủ khả năng phẩm bình về trước tác của các bậc bề
trên. Nhưng riêng về bài ca cuồng phóng, tôi thấy ngài Thượng sĩ đã đạt
đạo. Từng hơi thở, từng ý nghĩ và cả cuộc sống thường nhật của tác giả đều
là thiền. Có thể coi bài Phóng cuồng ca của cụ Hưng Ninh vương Trần
Tung là một bài tuyên ngôn về thiền học. Đúng vậy, ngài là bậc túc thiền.
Mọi người đang mải mê nói chuyện riêng thì Trần Hưng Đạo bước
vào. Quốc công đầu chít khăn vàng như khăn của các đạo sĩ, nhưng ngài lại
vận bộ quần áo màu nâu, màu mà các nhà sư ưa dùng. Với phong thái ung
dung quốc công chào hỏi mọi người. Hỏi tin tức các tướng trấn ải thủy bộ
rồi vào việc ngay. Ngài nói:
- Các ông có biết ta triệu các ông về đây có việc gì không?
Các tướng đều im lặng. Ông đưa mắt nhìn các vị tướng trẻ. Phạm Ngũ
Lão bèn thưa:
- Bẩm Quốc công, chắc giặc Bắc lại sắp sang.