- Lúc nào các tướng cũng phải coi như giặc đã ở biên thùy, hoặc giặc
tiến sát ta rồi cho nên mọi việc đều phải sẵn sàng, gặp giặc là đánh ngay
được. Kể cả khi đang diễn tập mà giặc vào, sẽ biến trận giả thành trận thật
ngay lập tức.
Đã dặn các con ở lại, sáng hôm sau Hưng Đạo cho gọi từng người vào
hỏi cái việc mà hôm trước vương đã hỏi hai gia nô Yết Kiêu, Dã Tượng.
Thoạt tiên là người con cả Hưng Võ vương Trần Quốc Nghiễn.
Nghe cha hỏi xong, Nghiễn từ tốn trả lời:
- Thưa cha, con nghĩ tổ nội vì hận mình, giận đời nên có lời di huấn
ấy. Nhưng mọi việc đã xong, thiên hạ quy về một mối. Vả lại mệnh nước
đang bị giặc ngoài đe dọa mà bên trong lục đục tức là tự dâng nước cho
giặc. Hơn nữa nếu là họ khác còn không nên, huống chi đều trong nội tộc,
máu mủ ruột rà, thật không nỡ. Con xin cha suy xét.
Quốc Tuấn cảm động, ông nâng người con cả đứng dậy và nói:
- Ngay từ hồi nghe cố mệnh ta đã cho lời di huấn ấy không là phải
nên không dám theo. Nhưng ta thấy phía anh em nhà vua canh chừng ta gắt
quá. Lúc nào ta cũng coi phải lấy nước làm trọng nên bỏ qua các tị hiềm.
Cuộc thắng giặc năm Ất Dậu vừa qua, anh em nhà vua mới thực sự tin bụng
ta. Vừa rồi Chiêu Minh vương xin thôi giữ chức thái sư mà giữ nguyên hàm
thượng tướng xin sát cánh cùng ta vào trận. Vì thế ta mừng lắm. Ta cũng
thấy các con mong manh biết chuyện này, nên mới một lần để các con rõ
lòng ta và cùng đồng tâm nhất trí mà giữ lấy nước. Nếu cha con ta cùng
trăm họ giữ được nước thời đó là điều đại hiếu đối với các bậc tiền nhân
trong đó có tổ phụ con.
Khi Hưng Đạo hỏi Hưng Hiếu vương, Hưng Trí vương cũng đều nói
như người anh cả. Quốc công mừng lắm, an ủi các con rồi cho gọi Hưng
Nhượng vương Trần Quốc Tảng vào hỏi. Nghe cha hỏi xong, Quốc Tảng
nói:
- Tống Thái tổ là một ông lão làm ruộng mà thừa thời dấy vận có
được thiên hạ. Thời cơ đến, theo con không nên để lỡ.