kéo xe đi trước, Lý Lan và hai con đẩy xe đi sau, tiếng khóc trầm bổng dạt
dào trong lồng ngực bốn người, nhưng họ không dám khóc thành tiếng.
Bây giờ hai đứa trẻ đã lớn thành hai thiếu niên, Lý Lan đã nằm trong quan
tài, hai thiếu niên có thể gào khóc tiễn đưa mẹ về nơi chín suối, nhưng
chúng đã không khóc được.
Họ đi ra cửa Nam, đi vào con đường đất thôn quê. Bẩy năm trước taị
nơi này, Lý Lan đã nói một tiếng "khóc đi", cả bốn người cứ việc gào khóc
thoả thích, tiếng khóc thẩm thiết của họ đã làm cho đàn chim sẻ trên cây
giật mình vỗ cánh bay đi. Hôm nay cũng một chiếc xe bò như thế, một cỗ
quan tài gỗ mỏng như thế, vẫn cánh đồng bát ngát như thế, vẫn bầu trời cao
xa như thế, chỉ khác ở chỗ bốn người đã biến thành hai người, hai người
này cũng không có tiếng khóc. Chúng cúi gằm lưng xuống, một người phía
trước, một người đằng sau, một người kéo, một người đẩy,thân thể hai anh
em cúi rạp xuống còn thấp hơn chiếc quan tài trên xe bò, nhìn từ xa, không
giống hai người, mà giống như chiếc xe bò ấy có thêm một đầu xe và một
đuôi xe.
Hai thiếu niên chở mẹ chúng đến thôn Tống Phàm Bình đã sinh ra và
trưởng thành. Trong mộ ở đầu thôn, Tống Phàm Bình đã chờ đợi bảy năm.
Bây giờ cuối cùng vợ anh đã đến với anh.Lão địa chủ chống chiếc gậy
trong tay, đứng bên cạnh mộ con trai, trông lão lọm khọm, yếu ớt như đang
thoi thóp, nếu không có chiếc gậy trong tay, lão sẽ lăn kềnh ra đất. Lão địa
chủ này nghèo tới mức ngay đến một chiếc gậy cũng không mua nổi. Tống
Cương đã róc cho ông nội một cành cây để làm gậy. Một cái huyệt đã được
đào sẵn bên cạnh mộ Tống Phàm Bình, vẫn là do mấy người thân thích
nghèo rớt mồng tơi đào cho, mấy người thân thích nghèo, quần áo vẫn rách
bươm như bảy năm trước, vẫn chống mai, chống cuốc đứng đó như bảy
năm trước.
Sau khi đặt quan tài của Lý Lan xuống huỵệt, lão địa chủ chống gậy
cành cây, nước mắt tuôn trào, người lão lảo đảo chực ngã, Tống Cương đã