ra đất. Tống Cương cẩn thận đặt ông nội xuống chiếu, y như đặt lên
giường. Mấy người trong họ cuộn chiếu vào, buộc ba mối dây thừng. Đây
là quan tài của lão địa chủ. Họ giúp Tống Cương đào xong huyệt. Cậu
Cương bê xác ông trong bó chiếu, đi đến trước huyệt, lần lượt quỳ hai chân,
đặt ông nội vào trong. Sau đó cậu đứng lên lau hai mắt ươn ướt bắt đầu hất
đất lấp huyệt. Nhìn Tống Cương trơ trọi một mình, mấy người đàn bà trong
thôn không cầm được nước mắt.
Lão địa chủ được chôn bên cạnh Tống Phàm Bình và Lý Lan. Tống
Cương khoác áo sợi đay để tang ông nội mười bốn ngày. Sau đó, Tống
Cương bắt đầu chỉnh lý hành trang của mình. Cậu chia ngôi nhà dột nát và
mấy thứ đồ dùng cũ kỹ cho mấy người họ hàng nghèo túng. Vừa may trong
thôn có người vào thành phố, Tống Cương nhờ người đó nhắn tin cho Lý
Trọc: Tống Cương sẽ trở lại thành phố.
Bốn giờ sáng nay Tống Cương thức dậy, mở cửa nhìn thấy sao sáng
đầy trời, nghĩ đến sắp sửa gặp em Lý Trọc, vội vàng đóng cửa, hấp ta hấp
tấp đi ra đầu thôn. Đứng dưới ánh sáng trăng ở đầu thôn một lúc, cậu quay
đầu nhìn lại thôn trang mình đã từng sống mười năm, rồi cúi xuống nhìn
ngôi mộ cũ của bố mẹ và ngôi mộ mới của ông nội, sau đó bước lên con
đường mòn vắng lạnh, đi ra thị trấn Lưu đang ngủ say dưới ánh trăng. Tống
Cương từ biệt ông nội đã mười năm nương tựa vào nhau, trở về thành phố
chung sống với cậu em Lý Trọc.
Tống Cương xách một chiếc túi du lịch, đi vào thị trấn Lưu lúc tảng
sáng, mang theo cát bụi dặm trường, về đến ngôi nhà ngày xưa. Bà Lý Lan
đã từng xách chiếc túi du lịch này đi Thượng Hải chữa bệnh. Khi bà xách
nó từ Thượng Hải về, được tin Tống Phàm Bình bị đánh chết, bà đã quỳ
xuống đất trước bến xe, bốc bùn đất thấm máu tươi của chồng bỏ vào túi du
lịch. Khi Tống Cương về quê sống với ông nội, bà Lý Lan đã nhét quần áo
của Tống Cương cùng túi kẹo mềm mác thỏ trắng vào chiếc túi này. Bây