là những cái mồm há hốc. Dư nhổ răng ta trông mong cả vào Lý Trọc. Sau
khi Dư nhổ răng ta đi theo Lý Trọc trở thành phú ông, mẹ kiếp, Dư nhổ
răng ta không bao giờ còn thèm nhổ răng nữa, mẹ kiếp, không bao giờ còn
thèm nhìn những cái mồm há hốc nữa. Ta phải đi thăm phong cảnh, ta phải
đi du lịch các nơi trên thế giới, đi cho bằng khắp những chấm tròn nhỏ này.
- Quả là có chí hướng cao xa! - Lý Trọc giơ ngón tay cái khen ngợi
ông Dư nhổ răng. Ông Dư nhổ răng vẫn đang cơn hăng, nhìn những cái kìm
để trên bàn, nói với vẻ khinh khỉnh:
- Những cái kìm này sẽ vứt ráo, quẳng hết.
- Đừng vứt - Lý Trọc xua tay nói - Khi đi tham quan phong cảnh
những điểm chấm nhỏ ấy, ông phải mang theo kìm, ngộ nhỡ có ngứa tay,
tiện thể nhổ mấy cái răng cho người da trắng, dân da đen, ông đã nhổ bao
nhiêu răng cho người Trung Quốc, ông đã trở thành phú ông, thì đi nhổ
răng cho người nước ngoài.
- Có lý - Hai mắt ông Dư sáng lên - Dư nhổ răng ta đã hơn ba mươi
năm hành nghề, rặt nhổ răng cho dân trong huyện mình, ngay đến răng
người Thượng Hải đã nhổ cái nào đâu, ta phải nhổ ở mỗi điểm tròn nhỏ
trên bản đồ thế giới một cái răng.
- Đúng - Lý Trọc kêu lên - Người khác đọc vạn quyển sách, đi vạn
dặm đường, riêng ông đi vạn dặm đường, nhổ răng vạn người.
Tiếp theo là vấn đề nhãn mác hàng hóa. Ông Dư nhổ răng rất không
hài lòng đối với mác quần lót còn lại. Chỉ tay vào mũi Lý Trọc, ông Dư
mắng xơi xơi:
- Mẹ kiếp! Anh cho người ta quần dài, áo sơ mi, áo lót, quần lót giành
cho ta, trong mắt anh, làm gì có Dư nhổ răng ta.