Ở đây và bây giờ, sự vô thường của vạn vật
Một mấu chốt khác để rèn luyện khả năng hồi phục là biết được nên
sống vào lúc nào. Cả Phật giáo và Chủ nghĩa khắc kỷ đều nhắc nhở
chúng ta rằng hiện tại là tất cả những gì tồn tại, và đó là thứ duy nhất
chúng ta có thể kiểm soát. Thay vì lo lắng về quá khứ hoặc tương lai,
chúng ta nên trân trọng mọi thứ khi chúng ở thời khắc hiện tại, bây giờ.
Như Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói, “Khoảnh khắc duy nhất
bạn có thể thực sự sống là khoảnh khắc hiện tại.”
Bên cạnh việc sống ngay tại đây và bây giờ, những người khắc kỷ
còn khuyên bạn nên chú ý tới sự vô thường của những thứ xung quanh
ta.
Hoàng đế La Mã Marcus Aurelius từng nói những thứ chúng ta yêu
thích giống như những chiếc lá của cây: Chúng có thể lìa cành bất cứ
lúc nào theo cơn gió. Ông cũng nói rằng những thay đổi trong thế giới
xung quanh chúng ta không phải là ngẫu nhiên mà là một phần của bản
chất của vũ trụ. Thực ra đây cũng là một quan niệm của Phật giáo.
Chúng ta đừng bao giờ quên rằng mọi thứ chúng ta có và tất cả
những người chúng ta yêu thương sẽ biến mất một ngày nào đó. Đây là
điều chúng ta nên ghi nhớ, nhưng không được bi quan.
Nhận thức được sự vô thường của vạn vật không làm chúng ta buồn;
mà nó sẽ giúp chúng ta yêu hiện tại và những người xung quanh.
Senecca đã nói: “Mọi thứ của con người đều tồn tại trong thời gian
ngắn và dễ bị hủy hoại.”
Bản chất tạm thời, phù du và vô thường của thế giới là cốt lõi của
Phật giáo. Luôn ghi nhớ điều này trong tâm trí giúp chúng ta tránh
được nỗi đau quá mức mỗi khi mất mát.
Wabi-sabi và ichi-go ichi-e