trước khi chìm vào giấc ngủ. Trên thực tế, ông không chỉ tưởng tượng
ra những tình huống tiêu cực này, mà còn thực sự biến chúng thành
thực tế để luyện tập - chẳng hạn như sống một tuần không có người
hầu, không có đồ ăn hoặc thức uống đắt tiền mà ông thường hưởng thụ
khi giàu có. Nhờ đó, ông có thể trả lời được câu hỏi “Điều tồi tệ nhất có
thể xảy ra là gì?”
Thiền để cảm xúc khỏe mạnh hơn
Bên cạnh phương pháp hình dung tiêu cực và không đầu hàng trước
những cảm xúc tiêu cực, một nguyên lý cốt lõi khác của Chủ nghĩa
khắc kỷ là nhận biết những thứ chúng ta có thể kiểm soát và không thể
kiểm soát, như chúng ta đã thấy trong bài Nguyện cầu thanh thản.
Lo lắng về những điều nằm ngoài tầm kiểm soát chẳng có ích gì cho
chúng ta. Việc nhận thức rõ ràng điều nào có thể thay đổi và điều nào
không thể sẽ giúp chúng ta chống lại những cảm xúc tiêu cực.
Như câu nói của Epicteus, “Chuyện gì xảy đến với bạn không quan
trọng, quan trọng là bạn phản ứng với chúng như thế nào.”
Trong Thiền tông, thiền là một cách để nhận thức các ham muốn và
cảm xúc, qua đó giải phóng bản thân khỏi chúng. Không chỉ đơn giản
là giữ cho tâm trí thoát khỏi những suy nghĩ, mà thay vào đó là quan sát
những suy nghĩ và cảm xúc khi chúng xuất hiện. Bằng cách này, chúng
ta sẽ rèn luyện tâm trí để không bị cuốn vào vòng xoáy sân hận.
Một trong những câu thần chú kiểm soát cảm xúc tiêu cực được sử
dụng phổ biến nhất trong Phật giáo là: “Om mani padme hum”, trong
đó om là sự rộng lượng thanh lọc bản ngã, ma là đạo đức thanh lọc sự
ghen tị, i là sự kiên nhẫn thanh lọc ham muốn và dục vọng, pad là sự
minh định thanh lọc thói thiên vị, me là sự buông bỏ thanh lọc lòng
tham, và hum là sự thông thái thanh lọc hận thù.