phân tách để giải phóng mabui của người đã chết; điều này thường xảy
ra khi một người bị chết đột ngột - nhất là nếu còn trẻ - và linh hồn của
họ không muốn phải đi tới cõi chết.
Một mabui cũng có thể được truyền từ người này sang người khác bằng
tiếp xúc vật lý. Một bà ngoại truyền lại chiếc nhẫn cho cháu gái cũng là
truyền lại một phần mabui của mình cho cháu. Chụp ảnh cũng có thể
coi là một phương tiện để truyền mabui giữa mọi người.
Càng cao tuổi, càng tráng kiện
Ngẫm lại, những ngày ở Ogimi tuy đầy náo nhiệt nhưng cũng rất thư
thái - phần nào giống với lối sống của người dân địa phương, những
người luôn bận rộn với những nhiệm vụ quan trọng nhưng làm mọi
việc một cách rất điềm đạm. Họ luôn theo đuổi ikigai của mình, nhưng
không bao giờ vội vàng.
Dường như họ không chỉ bận rộn một cách vui vẻ, chúng tôi còn
nhận thấy họ tuân theo những nguyên tắc hạnh phúc khác được giáo sĩ
Washington Burnap nêu ra từ hai trăm năm trước: “Điều tối cần thiết
cho hạnh phúc trong cuộc sống này là có gì đó để làm, có gì đó để yêu
thương, và có gì đó để hy vọng.”
Trong những ngày cuối ở Ogimi, chúng tôi đi mua quà tại một khu
chợ nhỏ ở rìa thị trấn. Những mặt hàng duy nhất được bán là rau quả
địa phương, trà xanh và nước ép shikuwasa, cùng với các chai nước
được lấy từ một dòng suối sâu trong rừng Yanbaru, được dán nhãn là
“Nước Trường thọ”.
Chúng tôi mua một ít Nước Trường thọ và cùng nhau uống ở bãi đỗ
xe, hướng mắt nhìn ra biển cả và hy vọng những chai nước nhỏ bé này
sẽ ẩn chứa phép màu đem đến cho chúng tôi sức khỏe và sự trường thọ,
cũng như giúp chúng tôi tìm thấy ikigai của mình. Sau đó, chúng tôi
chụp ảnh với một bức tượng tinh linh bunagaya, rồi đọc lại lần cuối
những câu khắc trên bia đá: