Các chuyên viên Tây phương liền khuyến cáo những lãnh tụ tinh thần
của Do-Thái còn đang cư ngụ tại Âu-Mỹ, rằng : « Muốn cho việc canh tác
tại Palestine mau có kết quả, thì phải chia cho mỗi gia đình hay mỗi tổ, một
miếng đất chừng một hai mẫu, làm tư sản. Vì chỉ có tư hữu tài sản mới
khích động nổi sự hăng say canh tác và sản xuất của đám người lao động
đó ». Các chuyên viên này biết rất rõ là đối với một đoàn người đang thiếu
thốn tất cả phương tiện kỹ thuật, lại có nhiều dị biệt về ngôn ngữ tập quán,
nếu nay đẩy được cho họ vào con đường tranh giành lẫn nhau, để cố giữ
cho mình những mối lợi riêng, thì công cuộc khai khẩn vùng Palestine của
người Do-Thái chắc chắn là phải hoàn toàn thất bại. Khi đưa ra đề nghị là
nên chia cho mỗi người dân Do-Thái một miếng đất làm của riêng, các
chuyên viên không quên nhân danh chánh phủ của họ, hứa hẹn rằng sẽ
cung cấp và viện trợ cho đám dân Do-Thái đó tất cả các nông cơ, nông cụ,
hạt giống và tiền bạc cần thiết để canh tác. Tất nhiên, nếu dân Do-Thái thực
hành lời khuyên bảo đó của Tây phương, thì sự phát triển vùng Palestine sẽ
trở nên lệ thuộc vào sự giúp đỡ của ngoại bang, nghĩa là dân Do-Thái sẽ trở
nên một dân thuộc địa. Huống hồ chưa chắc gì các chánh phủ Tây phương
đã giúp đám người này thiệt sự, vì nếu người Do-Thái chia đất nhau xong
mà không có phương tiện gì để canh tác, tất nhiên chỉ còn cách bỏ đất mà
ra đi. Một con người đơn độc, một gia đình đơn độc làm sao biến được một
hai mẫu sa mạc hoặc sình lầy, có quây hàng rào thành ra màu xanh ? Công
việc này chỉ có thể thực hiện được khi mà nhiều người cùng mó tay vào,
tận lực làm việc mà không phân biệt công ai nhiều hay ít, và làm xong thì
ai được nhiều và ai được ít. Đám người Do-Thái chỉ biết rằng lề lối tốt
nhứt, để biến giải đất sỏi đá kia thành màu xanh, là việc phải cùng nhau
chung sức lại mà canh tác, nếu có hoa lợi thì cùng nhau hưởng, và nếu thất
bại thì cùng chết đói với nhau. Còn nếu theo lề lối Tây phương, chia ra cho
mỗi người một vài mẫu đất hoang vu đó, thì chắc chắn là họ sẽ ôm mảnh
đất trơ trụi đó mà chết đói. Công thức Kibboutz đã được khai sanh từ ý chí
tập thể canh tác đó. Và các nước tư bản Tây phương, khi thấy lời khuyến
cáo chia đất của họ không được tuân theo, thì họ lên án tức khắc lề lối
Kibbutz là có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa (nói theo danh từ hiện đại,