nếu cuốn sách được một người công giáo địa phương viết ra và ký tên thì
ảnh hưởng của nó sẽ lớn gấp bội việc chính một người Do-Thái viết. Do
đó, Mendelssohn nhờ Dohm soạn thảo và cho xuất bản.
Dohm vốn là một người công giáo ngoan đạo, có lòng nhân từ và
thương người bị áp chế, bất phân biệt nòi giống và quốc tịch. Khi nhận
được tài liệu nói về cuộc sống bi đát và khốn khổ của đám người Do-Thái
tại Alsace, Dohm liền bắt tay vào việc, trình bày công khai cho dư luận
Đức và thế giới thấy những sự đối xử dã man của một số người đối với dân
Do-Thái. Để kết luận cuốn hồi ký này, Dohm khuyến cáo tất cả các chánh
quyền và dân chúng các nước hãy để cho người Do-Thái được toàn quyền
tự do sanh sống trong hai lãnh vực tín ngưỡng và hành chánh. Và chỉ cấm
người Do-Thái trở thành công chức mà thôi. Cuốn sách được xuất bản năm
1781, và tạo ra những nguồn dư luận rất sôi nổi khắp nơi, đưa dẫn vua
Joseph II nước Áo, phải can thiệp. Nhưng sự can thiệp quan trọng nhứt cho
người Do-Thái là những quyết định của các nhà cách mạng Pháp 1789.
Ngày 2 tháng 1 năm 1782, Joseph II ban hành tại nước Áo (Autriche)
một sắc chỉ khoan hồng (Edit de Tolérance). Người Do-Thái từ nay được
quyền hành nghề mà họ ưa thích, được buôn bán và làm kỹ nghệ một cách
tự do. Tất cả các trường công của nhà nước, kể cả đại học, cũng như các
trường tư thục đều được phép thu nhận người Do-Thái. Trước đây, những
ngày lễ lớn của công giáo, thì người Do-Thái bị cấm đi ra ngoài đường phố.
Nay lệnh này cũng bị sắc chỉ bãi bỏ.
Trong thâm tâm Joseph II, thì nhà vua vừa độc tài vừa sáng suốt này
chỉ nhằm một mục tiêu cần thiết và có lợi cho chế độ hiện hành : đó là việc
làm sao thu hút được số dân hơn 500.000 Do-Thái đang sanh sống tại Áo
vào trong cộng đồng xã hội, để họ trở thành những công dân có thể đóng
góp được vào sanh hoạt quốc gia.
Tại Pháp, chỉ bảy năm sau, thì cuộc đại cách mạng bùng nổ. Nhóm
Do-Thái tại Alsace (là một quận của Pháp) đứng lên, gởi thơ cho Hội-đồng
Cách-mạng Lâm thời, do Linh mục Grégoire chuyển đạt. Ngày 22 tháng 8