người với Do-Thái. Nhưng chánh phủ Hòa-lan vốn bảo thủ, nên nhứt định
không chịu cho người Do-Thái quyền công dân tự do. Một cuộc tranh đấu
gay go diễn ra tại xứ này, và sau rốt, ngày 2 tháng 9 năm 1796, Quốc hội
Hòa-lan cũng công nhận cho dân Do-Thái tất cả những quyền của người
công dân.
Tại Ý, dân Do-Thái vốn bị áp chế rất mạnh mẽ, nay thấy quân đội của
Cách mạng Pháp tiến vào, thì họ mừng rỡ vô cùng. Bị quyến rũ theo các tư
tưởng giải phóng, đám Do-Thái tại Ý tự động phá các trại Ghetto để ra sanh
sống ở ngoài. Ngày 10-7-1797, dân Do-Thái tại Venise phá sập hết các
hàng rào và cửa trại Ghetto, rồi châm lửa đốt sạch. Nước Ý, trong thời gian
bị Pháp cai trị, đã bó buộc phải ban hành quy chế công dân và tự do cho
dân Do-Thái.
Tuy nhiên, tình trạng sáng sủa mà cách mạng mang lại cho dân Do-
Thái đã không tồn tại.
Tại Pháp, Napoléon nắm được chánh quyền. Bộ trưởng tư pháp của
Napoléon đề nghị nên tách rời người Do-Thái ra khỏi cộng đồng, vì dân
chúng Pháp đã phàn nàn nhiều về việc làm tiền của người Do-Thái. Các
nhân vật có tên tuổi thời đó, đòi cô lập và đối xử khắc nghiệt với dân Do-
Thái tại Pháp là Chateaubriand (văn hào), bá tước Bonald, cùng với một số
linh mục công giáo như Fontanes, lớp người này cho rằng sự tự do mà dân
Do-Thái được hưởng là một sự thách thức và phỉ báng Công giáo. Cuộc đả
kích người Do-Thái được khuyến khích ngày một mạnh thêm, và năm
1808, một sắc lệnh được ban hành, hạn chế rất nhiều quyền tự do của người
Do-Thái. Từ nay, không một người Do-Thái nào được quyền buôn bán,
chuyên chở hàng hóa, nếu không có một giấy phép đặc biệt của tỉnh trưởng
nơi cư ngụ.
Cùng năm 1808, Napoléon ban hành một sắc lệnh thứ hai, buộc dân
Do-Thái phải tự tổ chức thành những tập thể có thể kiểm soát tánh danh và
tài sản được. Tại mỗi tỉnh, có hơn 2.000 dân Do-Thái, thì người Do-Thái
phải thành lập một hội đồng quản trị, gồm lẫn lộn những người lãnh đạo