CHƯƠNG III : THỜI KỲ MÁU LỆ CỦA DÂN ISRAËL VÀ
CUỘC DI CƯ QUA NƯỚC MỸ
Sự kỳ thị của tinh thần quốc gia
Hạ bán thế kỷ 19, vào 1870, là giai đoạn mà dân Israël được yên ổn
nhứt tại Âu-châu. Những khoảng thời gian này không lâu bền, vì tinh thần
chống Do-Thái vẫn luôn luôn tồn tại khắp những quốc gia mà người Do-
Thái sanh sống. Trong thời kỳ vàng son và yên ổn làm giàu tại các thành thị
lớn ở Âu-châu, người Do-Thái đã tỏ ra có khả năng hòa hợp với tất cả các
xã hội mà họ đang sống, kể cả đối với các cộng đồng của giáo hội La Mã.
Được bình đẳng về phương diện luật pháp, người Do-Thái đã thực hiện
được sự bình đẳng với các dân tộc khác về phương diện xã hội. Những sự
thành công của họ, đặc biệt là trong lãnh vực kinh tế tài chánh, đã làm cho
nhiều giới phải e ngại và khâm phục.
Nguồn gốc của sự kỳ thị và khủng bố đối với người Do-Thái đã bắt
nguồn từ một tinh thần quốc gia được khơi dậy quá mãnh liệt. Trong tất cả
các dân tộc luôn luôn có những quyền lợi lớn lao, được thâu tóm trong tay
một thiểu số người, và khi nhóm người này bất mãn với một tầng lớp khác,
thì họ làm bột phát mạnh mẽ những ý thức hệ mà họ gọi là tinh thần quốc
gia. Và người Do-Thái đã là nạn nhân của những phong trào quốc gia này,
bùng nổ tại Âu-Châu từ 1870.
Các phong trào chống Do-Thái đã lần lượt phát sanh tại hầu hết các
nước Âu-Châu, vào những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Nguồn gốc
của các phong trào đàn áp người Do-Thái này đều xuất phát từ các chủ
nghĩa gọi là Quốc gia.
Sau cuộc chiến 1870, Đức thắng trận tại Âu-Châu. Với các khoản bồi
thường chiến tranh của Pháp cho Đức, người dân Đức lấy làm vinh hạnh
cực độ và trở nên tự tin một cách mãnh liệt. Sự say men chiến thắng này
đưa dẫn người Đức thời nay tới chủ trương công khai rằng : dân tộc Đức