không chống Do-Thái cấp kỳ, thì rồi các tư tưởng có tánh chất nhân dân và
đại chúng sẽ xuất hiện nhanh chóng, làm nguy hại cho chánh quyền.
Đám người này đưa ra những bằng chứng về các vụ tàn sát, khủng bố
và phá hoại của cuộc cách mạng 1789, để nói rằng nếu dân Pháp không tiếp
tay cho chánh phủ, diệt người Do-Thái, thì một cuộc cách mạng khác có thể
bùng nổ, và khi đó, chỉ đám dân nghèo là được lợi, còn những giới thượng
lưu và trưởng giả, phú tộc, sẽ bị mất hết.Trong đám người này, hăng say
nhứt là người quân nhân cao cấp, một số sĩ quan trẻ chỉ được huấn luyện
một chiều, biết một không biết hai, và còn có cả những người như Barrès,
Maurras và Daudet nữa.
Từ vụ Dreyfus, chánh tình Pháp ngày một rối loạn, và từ việc chống
Do-Thái, dân Pháp bị lôi cuốn vào một vấn đề lớn lao hơn gấp bội là việc
theo cách mạng hay chống cách mạng, việc muốn duy trì nguyên vẹn tình
trạng xã hội hay là muốn có sự thay đổi. Bầu không khí tại Pháp càng lúc
càng nhuốm màu nội chiến thiệt thọ, khiến cho chánh quyền càng phải
quyết liệt và độc đoán hơn. Những bài báo của Zola (J’accuse) bị đưa ra
tòa, vì tội xâm phạm an ninh quốc gia, và chỉ nhờ có một hậu thuẫn dư luận
mạnh mẽ mà Zola thoát chết, nhưng cũng bị kết án một tháng tù ở và một
số tiền phạt vạ rất lớn.
Mãi tới năm 1906, trước sự bất mãn và bất ổn của dân chúng, chánh
phủ Pháp mới chịu xử lại vụ Dreyfus, tha bổng cho anh này, và cho
Picquart trở về nước làm việc.
Trong suốt thời kỳ này, người Do-Thái tại Pháp bị ngược đãi thậm tệ,
bị các phần tử quốc gia cực đoan sỉ nhục công khai, đánh đập và ngay các
tiệm hàng, nhà ở của dân Do-Thái cũng thường bị cướp phá và đốt sạch.
Không còn một người dân nào dám nói chuyện với người Do-Thái ngoài
đường, vì công an và cảnh sát luôn luôn canh chừng rất gắt gao những
người Do-Thái. Thật là những ngày đầy máu lệ cho đám con cháu Abraham
vậy.