CHƯƠNG VI : GIAI ĐOẠN LẬP QUỐC HIỆN ĐẠI SAU HAI
CUỘC CHIẾN TRANH
Chánh sách bất nhứt của người Anh
Việc chia cắt xứ Palestine, do Peel đề nghị và được Quốc-Hội và
Chánh phủ Luân-Đôn tán thành, đã gặp phải sự phản đối quyết liệt cả của
người Do-Thái lẫn người Ả-Rập. Toàn bộ các lãnh tụ Ả-Rập đều bác bỏ
việc chia cắt xứ Palestine theo kiểu Anh, vì chánh quyền Ả-Rập thời đó
cũng dần dần chuyển hướng.
Sự chuyển hướng này của chánh quyền Ả-Rập vào thời kỳ 1936-1939
(giai đoạn tiền đệ nhị thế chiến) đã được các quan sát viên thế giới có thẩm
quyền giải thích bằng hai lý do sau :
– Sự chống đối của các tầng lớp đại chúng Ả-Rập càng ngày càng
mãnh liệt, và một viễn ảnh cách mạng nhân dân có thể xuất phát tại toàn
vùng Trung-Đông, nếu các chánh phủ Ả-Rập không nới bớt sự kềm kẹp,
bóc lột, và nếu các nhà lãnh đạo Ả-Rập thời đó không tỏ ra độc lập với
chánh sách thực dân rõ rệt của người Anh.
– Các cường quốc thuộc khối Trục (Đức-Ý) đã ngấm ngầm liên minh
được với một số nhà lãnh đạo và chánh khách Ả-Rập từ 1936. Và ảnh
hưởng ngày một gia tăng của các chủ trương Quốc-xã Đức và Phát-xít Ý tại
vùng Trung-Đông, trong thời kỳ này, đã là nhân tố tạo ra việc xoay chiều
của các nhà cầm quyền Ả-Rập.
Dầu sao trong thực thế, các nhà lãnh đạo Ả-Rập cũng đã đứng trước
một sự kiện thực tiễn, là sự nổi dậy ngày một mạnh mẽ của nhân dân. Nếu
không tìm ngay một mục tiêu để hướng sự bất mãn và nổi dậy đó của quần
chúng, thì chắc chắn, chánh phủ sẽ trở nên nạn nhân của các công cuộc lật
đổ. Do đó, sau khi tính toán kỹ lưỡng, các nhà lãnh đạo Ả-Rập thời đó liền
nhắm mắt để cho dân chúng chống lại người Anh, sau khi đã khuyến khích
họ chống lại người Do-Thái. Các cuộc tấn công vào những nơi định cư