Kholin thông báo cho tôi biết các tín hiệu hiệp đồng với bờ trái, nói
rõ thêm một số chi tiết, rồi hỏi:
- Cậu đã rõ cả chưa?
- Có lẽ rõ cả…
Im lặng một lát, tôi nói ra những lo ngại của mình: liệu đi một mình
trong đêm tối chú bé có mất phương hướng trong khi vượt tuyến
không? Liệu có bị sát thương khi quân ta pháo kích không?
Kholin giải thích là “nó” - anh ta hất đầu về phía Ivan - đã cùng
Cataxonov ngồi lì ở trận địa của tiểu đoàn ba nghiên cứu suốt mấy
tiếng liền bờ địch ở khu vực sẽ vượt thuyền, thuộc làu ở đó từng bụi
cây, từng gò đất. Còn về chuyện pháo kích thì mục tiêu đã được bắn
nghiệm từ trước và sẽ để chừa một “hành lang” rộng đến bảy chục
mét.
Tôi bất giác nghĩ biết bao nhiêu điều bất trắc có thể xảy ra, nhưng
im lặng không nói gì. Chú bé nằm đăm chiêu, buồn thiu, mắt nhìn trân
trân lên trần hầm. Mặt nó lộ vẻ hờn dỗi và tôi có cảm giác là bàng
quan, dường như câu chuyện trao đổi giữa hai chúng tôi chẳng liên
quan gì tới nó.
Tôi xem xét trên bản đồ những vệt xanh chỉ trận địa phòng ngự của
bọn Đức bố trí thành tuyến theo chiều sâu, thử hình dung nó trong
thực tế, đoạn hỏi khẽ:
- Này, liệu điểm vượt tuyến được chọn có chính xác không? Chẳng
lẽ trên khắp mặt trận của tập đoàn quân không có một khu vực nào mà
tuyến phòng ngự của địch không đến nỗi dày đặc như ở đây à? Chẳng
lẽ trong tuyến phòng ngự của chúng không có “điểm yếu”, chỗ đứt
đoạn, nói chẳng hạn, ở tiếp điểm của hai đơn vị?
Kholin nheo cặp mắt nâu nhìn tôi với một vẻ chế giễu:
- Các bố ở đơn vị cấm bao giờ nhìn xa hơn cái sống mũi của chính
mình! - Giọng anh ta hơi khinh miệt. - Bao giờ các bố cũng tưởng đối
diện với trận địa mình là những lực lượng chủ chốt của địch, còn ở các
khu vực khác chỉ có những đơn vị yểm trợ yếu ớt, để che mắt thế thôi!