Tất nhiên chiếc Petite Jeanne đã chở quá nặng. Trọng tải của nó chỉ có
70 tấn, và nó không được phép chở tới một phần mười số người trên boong.
Dưới hầm thuyền chất chứa đầy vỏ trai và dừa khô. Ngay trong phòng máy
cũng nhét đầy vỏ trai. Thế mà thủy thủ vẫn còn có chỗ làm việc được, kể
cũng là một phép lạ. Ở trên boong, không còn cách nào đi lại được. Mọi
nguời chỉ qua lại bằng cách trèo men theo các lan can.
Ban đêm, họ dẫm lên cả những người nằm ngủ chồng chất lên nhau
khắp boong tàu như một tấm thảm. Tôi xin thề là tôi nói đúng sự thực.
Chao ôi, lại có cả gà, vịt, heo, và những túi khoai mỡ, còn chỗ nào thừa có
thể gọi là trống thì lại treo đầy những xâu dừa và những buồng chuối. Ở hai
bên sườn, khoảng giữa các dây cột buồm có nhiều sào gác ngang, vừa đủ
thấp để chiếc cần mắc buồm xoay trở không bị vướng víu thôi. Và cứ mỗi
sào lại có treo lủng lẳng ít nhất là 50 buồng chuối.
Quang cảnh hứa hẹn một cuộc hành trình vô trật tự, dù chỉ trong hai ba
ngày nếu gió đông nam thổi đều. Nhưng nào gió có thuận gì đâu. Sau năm
giờ đồng hồ đầu tiên, gió yếu dần phựt lên chừng chục bận rồi lặng hẳn.
Thế rồi biển lặng suốt đêm đó và sang tới ngày hôm sau, mặt biển phẳng
lặng như một tấm kính và phản chiếu ánh nắng chói loà, chỉ mới nghĩ đến
hé mắt nhìn cũng đủ phát nhức đầu.
Sang ngày thứ nhì có một người chết - một dân bản xứ đảo Phục Sinh -
một trong những thợ lặn giỏi nhất mùa đó trong vùng san hô. Người ấy mắc
bệnh đậu mùa, đích thị vậy; mà đậu mùa làm sao lại có thể lan lên thuyền
này được khi mà không có một trường hợp nào xảy ra ở Rangiroa lúc
thuyền rời bến; đó quả là chuyện ngoài sức hiểu biết của tôi. Vậy mà nay
bệnh đậu mùa đã phát sinh, đã có một người chết, và thêm ba người nữa
đang nằm liệt.
Không có thể làm gì được. Chúng tôi không thể tách những người đau
ốm ra một nơi riêng, mà cũng không thể chữa chạy cho họ. Chúng tôi chen
chúc nhau như cá hộp. Không thể làm gì được hơn là cứ đợi thối lên rồi