- Thế nào ông Calvin? – Ernest hỏi.
- Tôi xin chịu, – ông Calvin thú thật.
- Tôi chưa bao giờ tưởng tượng đến chuyện như thế, – ông Asmunsen
nói. – Thế nhưng nó lại cứ rõ như ban ngày.
Đây là lần đầu tôi được nghe trình bày học thuyết của Karl Marx 3 về
giá trị thặng dư. Ernest trình bày đơn giản quá, đến nỗi chính tôi, tôi cũng
phân vân và ngồi ngẩn người ra.
- Tôi sẽ mách các ông một cách để trút bỏ các hàng thừa, – Ernest nói.
– Các ông đem đổ xuống biển. Mỗi năm các ông hãy đem hàng trăm triệu
đô-la giày dép, lúa mì, quần áo tất cả các thứ hàng hoá đổ xuống biển. Như
thế có phải ổn không nào?
- Dĩ nhiên là ổn, – ông Calvin đáp. – Nhưng ông nói như thế thì thật là
vô lí.
Ernest đập lại nhanh như chớp:
- Dễ thường ông hô hào quay về với những lề lối cổ lỗ sĩ của ông cha
thì ông không vô lí hẳn, thưa nhà phá máy? Vậy muốn trút bỏ chỗ hàng ế
thừa, ông đề nghị phương pháp gì? Ông muốn tránh vấn đề hàng ế thừa
bằng cách không sản xuất ra hàng ế thừa nữa. Và muốn tránh không sản
xuất hàng ế thừa nữa thì ông đề nghị cách gì? Cách quay lại với phương
thức sản xuất cổ sơ, hết sức lung tung, vô trật tự và bất hợp lí, hết sức lãng
phí và đắt. Cái phương thức ấy thì nhất định không thể nào sản xuất ra hàng
thừa.
Ông Calvin nuốt nước bọt. Mũi nhọn đã đâm trúng đích. Ông lại nuốt
nước bọt một lần nữa rồi ho để dọn giọng.
- Ông nói đúng. Tôi xin chịu. Kể thì vô lí thật. Nhưng tôi cũng cần phải
làm một cái gì chứ. Đó là một việc sống còn đối với giai cấp trung lưu
chúng tôi. Chúng tôi không chịu chết đâu. Thà rằng vô lí, thà rằng trở lại
những phương pháp thô sơ và tốn kém của ông cha, như thế vẫn hơn.
Chúng tôi sẽ kéo nền công nghiệp trở lại tình trạng trước khi có các tơ-rớt.
Chúng tôi sẽ phá máy. Xem ông làm gì chúng tôi nào?
- Nhưng các ông không thể nào phá được máy, – Ernest đáp. – Các ông
không thể bắt ngọn trào tiến hoá chảy ngược lại được. Chống lại các ông có
hai lực lượng lớn, lực lượng nào cũng mạnh hơn giai cấp trung lưu các ông