Sau khi chị Maria đi rồi, gã ngồi buồn bã ở thành giường, hai vai thõng
xuống, gã ngơ ngác nhìn quanh với cặp mắt lờ đờ không thấy gì hết, mãi
đến khi tờ giấy bọc rách của tờ tạp chí gửi đến từ buổi sáng mà vẫn còn
nằm nguyên chưa được bóc ra, làm lóe lên một tia sáng trong trí óc tối đặc
của gã. Đó là tờ “Parthenon,” gã nghĩ như vậy, tờ “Parthenon” số tháng tám,
và hẳn là phải có bài “Phù du.” “Giá mà Brissenden còn ở đây mà nhìn thấy
nhỉ?”
Lật giở từng trang tờ tạp chí, bỗng gã dừng lại. “Phù du” đã được đăng,
với cái đầu đề lộng lẫy, mép bài thơ được trình bày theo kiểu Beardsley,
một bên đầu bài thơ là ảnh của Brissenden, một bên là ảnh của Ngài John
Value, đại sứ Anh. Trong lời nói đầu của tòa soạn có trích dẫn lời của Ngài
John Value nói rằng ở Mỹ không có nhà thơ, và tờ “Parthenon” đã đăng bài
“Phù du” như muốn nói: “Thưa Ngài John Value, ngài hãy xem đây!”
Cartwright Bruce được coi là nhà phê bình lớn nhất nước Mỹ, và người ta
đã trích dẫn câu ông nói cho rằng “Phù du” là một bài thơ lớn nhất từ xưa
đến nay ở Mỹ. Và cuối cùng lới nói đầu của người chủ bút kết luận như thế
này:
“Chúng tôi chưa có những nhận định đầy đủ về giá trị của bài thơ “Phù
du,” có lẽ không bao giờ chúng tôi có thể làm được việc đó. Nhưng chúng
tôi đã đọc đi đọc lại bài thơ và ngạc nhiên trước những từ và cách sắp xếp
của nó, chúng tôi tự hỏi không hiểu ông Brissenden đã làm thế nào mà viết
được những từ đó, làm thế nào mà có thể ghép chúng lại với nhau một cách
chặt chẽ như vậy.” Tiếp theo là đến bài thơ.
“Briss ơi, anh chết như thế là hay lắm anh ạ.” Martin lẩm bẩm và để tờ
báo lọt giữa hai đầu gối rơi xuống sàn.
Sự tầm thường, sự rẻ tiền của sự việc làm gã buồn nôn, nhưng Martin
nhận thấy một cách thờ ơ không chút cảm xúc rằng sự buồn nôn ấy cũng
không lấy gì làm ghê gớm lắm. Gã mong mình có thể nổi giận, nhưng gã
không còn đủ nghị lực để mà nổi giận nữa. Gã đã quá tê dại mất rồi. Máu
của gã đã quá đông lại, không bốc lên được theo với sự bực bội dâng tràn
lên như nước thủy triều. Xét cho cùng thì có hề gì cơ chứ? Nó cũng như tất
cả những cái khác mà Brissenden đã lên án trong xã hội tư bản. “Tội nghiệp
cho Briss!” Martin tự nhủ. “Anh ấy sẽ không bao giờ tha thứ cho mình.”