anh một hai lần trong bữa ăn – đặc biệt là lúc anh long lanh đôi mắt nghe
các vị mục sư nói chuyện. Tôi nghĩ bụng: anh là người vui tính và tôi hầu
như tha thứ cho cách ăn mặc của anh. Nhưng thời gian cứ đi, bữa ăn cứ tiếp
tục, anh vẫn không buồn nói nửa lời. Trong khi ấy, các vị mục sư bàn luận
miên man về giai cấp công nhân, về quan hệ của nó với Nhà thờ. Nhà thờ
đã làm gì và đang làm gì cho nó. Tôi nhận thấy Ernest không nói làm cho
ba tôi không bằng lòng. Nhân một lúc im lặng, ba tôi yêu cầu anh phát biểu,
nhưng Ernest nhún vai: “Tôi chẳng có điều gì muốn nói cả” và lại ngồi ăn
hạnh đào muối. Nhưng ba tôi không chịu. Một lúc sau ba tôi bảo:
- Chúng ta có một người giai cấp công nhân ở đây. Tôi tin chắc người
đó có thể trình bày các việc theo một quan điểm mới, vừa hay lại vừa bổ
ích. Tôi muốn nói ông Everhard.
Những người khác tỏ vẻ thích thú một cách lịch sự và giục Ernest
tuyên bố những quan điểm của mình. Thái độ của họ hết sức khoan dung,
hoà nhã: đúng là thái độ của những kẻ đỡ đầu. Tôi thấy Ernest cũng nhận ra
điều ấy và anh lấy thế làm khoái lắm. Anh chậm rãi nhìn bốn xung quanh
và mắt anh sáng lên một cách ranh mãnh.
- Tôi quả thật không quen với những cuộc tranh luận tao nhã của Giáo
hội, – anh bắt đầu được mấy lời đã ngập ngừng ngay, vẻ mặt khiêm tốn và
do dự.
Họ giục: “Ông cứ tiếp tục đi!” và bác sĩ Hammerfield bảo: “Chân kỳ
dù ở miệng ai nói ra chúng tôi cũng đều không ngại. Miễn là nó trung
thực”.
- Vậy ra ngài tách rời trung thực khỏi chân kỳ ư? – Ernest cười hỏi rất
nhanh.
Bác sĩ Hammerfield luống cuống trả lời:
- Giỏi đến đâu cũng phải có lúc nhầm, ông bạn trẻ ạ. Người giỏi nhất
trong chúng ta cũng phải có lúc nhầm.
Ernest bỗng thay đổi hẳn. Anh đã thành một người khác.
- Vâng, được, – anh đáp. – Và tôi xin phép bắt đầu bằng câu này: là các
ngài nhầm tuốt. Các ngài không biết gì về giai cấp công nhân, không biết
một tí gì hết. Khoa xã hội học của các ngài sai bét và vô giá trị, cũng như
phương pháp suy luận của các ngài.