thực được. Tuyệt đối không, kể từ khi con người bắt đầu dùng tiền. Rất ít
giấy tờ hay đĩa nhớ ghi lại, tất cả chỉ ngần ấy. Tôi nói có sai không? Nhưng
trên thực tế...” vị luật sư dường như chỉ vừa khởi động, “một hóa đơn mười
nghìn yên đã mang chừng đó giá trị. Không giống như mấy đồng xèng sẽ
lập tức vô dụng ngay khi chúng ta bước chân ra khỏi các khu vui chơi, tất
cả các máy bán hàng tự động đều nhận đồng bạc một trăm yên. Lý do là bởi
tất cả chúng ta đều chấp nhận như thế. Đến những đứa bé đang trong độ
tuổi đến trường cũng biết được hệ thống tiền tệ là gì, vì sao nó chỉ là một
bóng ma, về ‘giá trị ảo nhưng có thực’ của đồng tiền khi được coi là một
hợp đồng xã hội. Nhờ có nó, chúng ta không phải kéo lê xác một con lợn
qua hết mấy con đồi để đổi lấy áo quần, rau củ và gạo cho cả gia đình.
Chúng ta hoàn toàn được giải thoát khỏi hoạt động này. Bởi vì xã hội của
chúng ta được hình thành dựa trên thị trường tiền tệ, tôi có thể vừa kiếm
sống vừa giúp đỡ mọi người xử lý những phiền toái của họ. Không hẳn là
một giao dịch tồi, phải không nào?”
Honma gật đầu.
“Đúng. Vậy theo định nghĩa, thị trường tiền tệ là một cái bóng,” ông
nhắc lại. “Nhưng đó là một cái bóng có tỷ lệ thiếu cân xứng so với hiện
thực xã hội chúng ta. Tất nhiên, hiện thực xã hội luôn có những giới hạn,
chỉ những gì mà xã hội chấp nhận. Mặt khác, nền tài chính tiêu dùng đã
phun ra đến mất cân đối. Về bản chất nó không bao giờ phát triển đến mức
đó, nhưng người ta đã ra sức thổi phồng lên. Cũng tương tự như vậy: Anh
Honma, trông anh khá cao ráo, nhưng có lẽ không quá một mét tám, đúng
không? Giả dụ cái bóng của anh dài đến mười tám mét, điều này quá là phi
lý, phải không nào?” Câu này rành rành là câu hỏi tu từ, cách nói lão luyện
của một luật sư đang tranh biện.
“Tôi chỉ nói vui vậy thôi, giờ hãy nhìn vào số thẻ được phát hành. Theo
dữ liệu của năm tài chính kết thúc vào tháng Ba năm 1983, đã có 57,5 triệu
thẻ. Đến năm 1985, gần 87 triệu thẻ. Năm 1990, con số đã vượt quá 166